Hải Dương sẵn sàng mở cửa, chào đón các doanh nghiệp công nghệ số
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao việc tỉnh Hải Dương đã đi tiên phong trong cả nước khi đưa ra chiến lược phát triển tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, cũng như sớm lựa chọn Ngày chuyển đổi số của tỉnh. Bộ trưởng cũng chia sẻ những giá trị của chuyển đổi số mang lại cho mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời gợi ý một số ứng dụng của công nghệ số...
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời gần 20 câu hỏi về thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn Hải Dương. |
Chiều 31/3, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương về công tác chuyển đổi số.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chủ trì buổi làm việc.
Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số cục, vụ trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện các doanh nghiệp viễn thông: Viettel, VNPT, FPT, MobiFone, VNPost, BKAV, Misa, VTC, IOTLink, VNG; một số sở, ngành, địa phương liên quan cùng làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, chuyển đổi số đã tạo sức lan tỏa trong tất cả các hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021), tỉnh Hải Dương đang giữ vị trí thứ 14 cả nước với giá trị 0,4843, cao hơn mức trung bình cả nước. Trong đó, thứ hạng so với cả nước về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số của Hải Dương lần lượt là 22,10,10 và 37. Xếp hạng về an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số lần lượt là 38,8,20 và 9. Về 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thứ hạng của Hải Dương so với cả nước lần lượt là 13,18 và 18.
Tuy vậy, chuyển đổi số ở Hải Dương vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn đầu tư manh mún, chồng chéo, chưa thống nhất đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Quy định trong cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn nhiều bất cập trong trường hợp cần hợp tác lâu dài với nhà thầu. Chưa có nhiều hỗ trợ về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Nguồn nhân lực các cơ quan nhà nước để chuyển đổi số còn hạn chế. Tư duy trong chuyển đổi số chưa theo kịp sự phát triển.
Các sở, ngành, địa phương thiếu cán bộ chuyên môn công nghệ thông tin do chưa có quy định về vị trí việc làm này. Nguồn ngân sách địa phương bố trí cho nhu cầu thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch chuyển đổi số còn hạn chế, chưa thu hút được nguồn vốn khác ngoài ngân sách địa phương đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng của tỉnh chưa đủ khả năng đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu. Việc kết nối, tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành còn gặp nhiều khó khăn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao việc tỉnh Hải Dương đã đi tiên phong trong cả nước khi đưa ra chiến lược phát triển tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, cũng như sớm lựa chọn Ngày chuyển đổi số của tỉnh. Bộ trưởng Bộ TTTT chia sẻ những giá trị của chuyển đổi số mang lại cho mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời gợi ý một số ứng dụng của công nghệ số để giải những bài toán nâng cao hiệu suất công việc, đặc biệt với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh. Bộ trưởng Bộ TTTT khẳng định: chuyển đổi số giúp cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả giải quyết công việc tốt hơn, chi phí ít hơn. Đây chính là xu hướng và là động lực phát triển trong một vài thập kỷ tới.
Theo Bộ trưởng, yếu tố quyết định để có các ứng dụng phần mềm xuất sắc, hiệu quả chính là yêu cầu của người dùng. Người đứng đầu các cấp có vai trò quyết định thành công của chuyển đổi số. Để chuyển đổi số hiệu quả hơn, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, nhất là Sở TTTT cần xác định mục tiêu, xây dựng yêu cầu cụ thể, từ đó thuê doanh nghiệp công nghệ đủ năng lực nhằm tạo ra các sản phẩm, nền tảng số phù hợp. Muốn thu hút doanh nghiệp công nghệ số vào tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Bộ TTTT cho rằng, tỉnh cần có cơ chế cởi mở, thúc đẩy môi trường số để doanh nghiệp thấy được môi trường đầu tư tốt, trong đó dịch vụ công trực tuyến.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng khẳng định Hải Dương sẽ nỗ lực, quyết liệt trong từng phần việc cụ thể để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số. |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã trao đổi làm rõ các khái niệm công nghệ thông tin và chuyển đổi số, sự khác biệt; vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng. Với bài toán đầu tư phục vụ chuyển đổi số cần tính toán giữa thuê và đầu tư hạ tầng công nghệ. Đối với đầu tư, hệ thống cồng kềnh, trang thiết bị hiện đại sẽ khiến chi phí tăng cao, sau một vài năm có thể mất thêm chi phí nâng cấp, sửa chữa. Với sự thay đổi hằng ngày của công nghệ, việc thuê trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số, nhất là phần mềm được đánh giá phù hợp xu hướng...
Bộ trưởng Bộ TTTT đã trực tiếp trả lời gần 20 câu hỏi, kiến nghị của các sở, ngành của tỉnh liên quan đến chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. Trong đó, Bộ trưởng lưu ý, tỉnh cần xác định chuyển đổi số theo hướng tập trung vào những gì người dân cần, cụ thể hoá những ý tưởng từ những phần việc gần dân nhất, thiết thực nhất. Căn cơ của chuyển đổi số là cơ sở dữ liệu, tỉnh cần tập trung để chuẩn bị cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực, từ đó cụ thể hoá các yêu cầu để thực hiện. Bộ TTTT sẽ cung cấp thông tin đánh giá những tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm tốt việc chuyển đổi số trong từng lĩnh vực để Hải Dương tìm hiểu, học tập để có hướng đi phù hợp với tỉnh.
Về thu hút doanh nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng nhấn mạnh Hải Dương cần xây dựng môi trường đầu tư cởi mở, minh bạch, có tính đổi mới, có môi trường số, nhất là dịch vụ công trực tuyến hiệu quả. Hải Dương có thể mời một số doanh nghiệp công nghệ cùng triển khai các sản phẩm, nền tảng số cho tỉnh dùng thử. Từ đó vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, vừa tạo cơ hội để tỉnh sử dụng sản phẩm công nghệ cao.
Về quản lý đô thị thông minh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nhu cầu của người dân, người dân phải được hưởng lợi. Công nghệ mang tính hỗ trợ những mục tiêu đó. Cần xây dựng đô thị thông minh từ những nhiệm vụ cụ thể như hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh, công khai chỉ số môi trường… Từ đó thiết lập nền tảng, sản phẩm, giải pháp số phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các thành viên đoàn công tác cũng giải đáp một số vấn đề về số hóa dữ liệu đất đai, địa chỉ số, kết nối hạ tầng dữ liệu giữa hệ thống y tế cấp xã với cấp huyện, chữ ký số, thúc đẩy thương mại điện tử, quảng bá du lịch trên nền tảng số, an toàn thông tin mạng, giải pháp để tỉnh nâng thứ hạng chỉ số chuyển đổi số…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là động lực tăng trưởng chính của nhân loại trong một vài thập kỷ tới, nhất là trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên như hiện nay. Trên môi trường số, con người sẽ sản sinh ra tài nguyên, đó là dữ liệu số và sử dụng tài nguyên này phục vụ các mục tiêu tăng trưởng.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Chuyển đổi số quốc gia công bố địa phương làm tốt nhất về chuyển đổi số với tần suất mỗi quý một lần, qua đó, tạo thuận lợi cho các địa phương tham khảo. Các doanh nghiệp công nghệ số cần cung cấp sản phẩm với mức giá khuyến mãi để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác, khẳng định buổi làm việc mang ý nghĩa rất quan trọng, qua đó giải đáp nhiều băn khoăn, vướng mắc của Hải Dương trên lộ trình chuyển đổi số. Khi đã thông, đã hiểu, việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo sẽ thuận lợi hơn.
Nhấn mạnh Hải Dương sẽ nỗ lực, quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số, Bí thư Tỉnh ủy cho biết thời gian tới, Hải Dương sẽ định hình rõ từng phần việc cụ thể, tập trung chủ yếu từ nay đến cuối năm 2023, từ đó phối hợp từng doanh nghiệp cụ thể để triển khai. Hải Dương sẵn sàng mở cửa, chào đón các doanh nghiệp công nghệ số tới đầu tư cũng như đồng hành trên lộ trình chuyển đổi số của tỉnh.
Tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp lớn về công nghệ đã chia sẻ các giải pháp để triển khai chuyển đổi số. Cụ thể, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT có giải pháp quản lý chỉ số điều hành của các tỉnh, thành phố, số hóa dữ liệu về quản lý đất đai, nâng cấp cổng dịch vụ công. Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số, luôn sẵn sàng hỗ trợ Hải Dương các giải pháp trong kết nối với đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; đồng hành với tỉnh trong số hóa dữ liệu của các sở, ban, ngành… Trên cơ sở đã ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh, Mobifone đề xuất Hải Dương cần có quy hoạch, lựa chọn doanh nghiệp cụ thể và có cơ chế thuê dịch vụ với thời gian phù hợp để tối ưu sử dụng các giải pháp nền tảng mà doanh nghiệp cung cấp.
Một số doanh nghiệp công nghệ số cũng giới thiệu và đề xuất giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hải Dương; tư vấn về kiến trúc, quy hoạch chuyển đổi số và chiến lược về dữ liệu cho tỉnh; đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người dân, cán bộ, công chức… |