Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khai mạc tuần văn hóa du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Thứ Bảy, 16/09/2023 22:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đông đảo du khách thập phương đã về dự lễ khai mạc Chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” 2023 với chủ đề “Tiếng gọi mùa vàng”, diễn ra tối 16/9. Sự kiện mở đầu cho cho chuỗi hoạt động phong phú cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn tại huyên vùng cao núi đất phía Tây Hà Giang những ngày tháng 9 này.

“Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” là sự kiện thường niên được tổ chức định kỳ hàng năm gắn với mùa lúa chín cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch độc đáo.

Tham dự lễ khai mạc có đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Tới dự có đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đại diện 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.  

Theo đồng chí Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, việc tổ chức sự kiện nhằm cụ thể hóa nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hà Giang, đồng thời tạo ra chuỗi hoạt động văn hóa nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng quốc gia ruộng bậc thang và vốn văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Hoàng Su Phì trong phát triển du lịch. Điểm nhấn của chương trình năm nay là các xã vùng trọng điểm du lịch của huyện đều tổ chức các sự kiện, tour du lịch tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang, làng nghề truyền thống, trình diễn lễ hội…

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao núi đất phía tây của tỉnh Hà Giang với nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống, địa hình chia cắt mạnh, giao thông không thuận tiện, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Song từ những khó khăn đó đã sản sinh ra những nét văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú, được người dân nơi đây nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của cộng đồng các dân tộc huyện Hoàng Su Phì.

 Một tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Nguyễn Phương)

Một trong những giá trị văn hóa đó là danh thắng ruộng bậc thang trải đều khắp 24 xã, thị trấn của huyện với tổng diện tích trên 9.000ha, đã được cộng đồng các dân tộc Hoàng Su Phì tôn tạo, phát triển qua hàng trăm năm, trong đó ruộng bậc thang tại 11 xã Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh thắng quốc gia.

“Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là một sự sáng tạo phi thường về văn hóa, thể hiện tính thích ứng của con người với môi trường vùng núi; là hình thức canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên đồi núi đất của huyện Hoàng Su Phì. Bằng bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, đồng bào đã vẽ nên một bức tranh khổng lồ đầy màu sắc, một công trình kiến trúc vĩ đại đủ sức làm say lòng bất cứ ai đến với vùng đất này” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Đức Tân nhấn mạnh.

Từ quá trình canh tác ruộng bậc thang, cộng đồng các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã sản sinh ra nhiều giá trị văn hóa độc đáo, các tri thức, phong tục tập quán phản ánh rõ nét quá trình đấu tranh khắc nghiệt nhằm chinh phục thiên nhiên để mưu sinh tồn tại và phát triển, góp phần làm phong phú thêm những sắc màu của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những giá trị văn hóa đó và riêng có của danh thắng quốc gia ruộng bậc thang đã mở ra nhiều cơ hội cho việc khai thác tiềm năng du lịch của huyện, nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoàng Su Phì nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung.

“Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” là sự kiện thường niên được tổ chức định kỳ từ năm 2012 đến nay, gắn với mùa lúa chín cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch độc đáo. Qua đó giới thiệu những giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng du lịch tới du khách trong và ngoài nước.

Lễ khai mạc Chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” 2023 mở đầu cho chuỗi hoạt động phong phú cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm tốt đẹp cho du khách như: trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện; trình diễn quy trình chế tác và bán các sản phẩm chạm khắc bạc của dân tộc Dao xã Bản Luốc, dân tộc Nùng xã Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài, sản phẩm rèn đúc của dân tộc Tày xã Nam Sơn, đan lát của dân tộc Mông xã Thèn Chu Phìn, tre trúc của xã Nậm Dịch, thêu thổ cẩm của dân tộc Dao xã Hồ Thầu, dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán, mài vải của dân tộc Nùng xã Nàng Đôn, Pố Lồ.

 Trưng bày ảnh chuyên đề về di sản quốc gia ruộng bậc thang Tây Bắc của 4 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu trong khuôn khổ sự kiện. (Ảnh: Giang Nam)

Đến với Hoàng Su Phì những ngày này, du khách còn có cơ hội tham gia các hoạt động thể thao, trải nghiệm du lịch văn hóa và sinh thái do các xã, thị trấn trong huyện tổ chức, diễn ra trong suốt tháng 9 như: Ngày hội Văn hoá dân tộc Mông tại xã Tả Choóng; biểu diễn dù lượn tại xã Nậm Ty và Thông Nguyên; chương trình “Ngày hội Bản em” tại xã Bản Phùng; tái hiện không gian chợ nông thôn và hội thi văn nghệ truyền thống các dân tộc tại xã Bản Luốc; “Ngày hội văn hóa dân tộc Dao” tại thôn Nậm Hồng; tham quan trải nghiệm ruộng bậc thang, bắt cá chép ruộng tại xã Thông Nguyên; trình diễn “Lễ cúng cơm mới của dân tộc Dao” tại xã Hồ Thầu; tham quan trải nghiệm, chinh phục Chiêu Lầu Thi; trải nghiệm các trò chơi dân gian như múa ngựa giấy dân tộc Nùng, nhảy lửa dân tộc Dao…

Trong khuôn khổ sự kiện, từ ngày 15 đến ngày 17/9 diễn ra Triển lãm ảnh chuyên đề về di sản ruộng bậc thang Tây Bắc của 4 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu; Chương trình khảo sát xây dựng, công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023; Tọa đàm Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch./.

 

ĐP

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN