Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khai mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024

Thứ Tư, 12/06/2024 06:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024 là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật kịch nói phục vụ nhân dân.

Tối 11/6, Liên hoan Kịch nói toàn quốc-2024 đã chính thức khai mạc tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

 Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: BTC)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024 là một trong những hoạt động cụ thể triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng đã đề ra nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; đồng thời là hoạt động góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng về “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa nhân loại; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” và nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024 nhằm phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật kịch nói; là dịp để các đơn vị nghệ thuật kịch nói bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật kịch nói phục vụ nhân dân.

Tặng hoa các đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan. (Ảnh: BTC)

Liên hoan này cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động của nghệ thuật kịch nói, kịp thời đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật kịch nói phát triển phù hợp với thực tế của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới của nhân dân cả nước.

Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 26/6, với 23 vở diễn của 19 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc, quy tụ hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên. Các buổi diễn sẽ mở cửa đón khán giả thưởng thức tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc.

Thành viên Hội đồng nghệ thuật gồm tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi, gồm: Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng; cùng các thành viên: Nghệ sĩ Nhân dân Minh Hòa - nguyên Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội; Nghệ sĩ Nhân dân, Nhạc sĩ Trọng Đài; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hoài Phương; Tiến sĩ, đạo diễn Lê Mạnh Hùng - nguyên Trưởng khoa Sân khấu (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội); Nhà viết kịch Chu Thơm; Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đạt Tăng.

Ngay sau lễ khai mạc là phần trình diễn mở màn của Nhà hát Tuổi trẻ với vở "Bến nước thời gian". Vở kịch được tác giả Tạ Xuyên chuyển thể từ tác phẩm “Mười ba bến nước” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, xoay quanh những số phận con người thời hậu chiến.

H.Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN