Khắc phục những khó khăn khi dạy học trực tuyến
(ĐCSVN) - Trong thời gian này, đa số trường học tại các địa phương đang đẩy mạnh triển khai dạy học trực tuyến nhằm duy trì tiến độ học tập của học sinh với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”. Tuy nhiên, với giải pháp này, để đạt được kết quả như mong muốn, các thầy cô giáo gặp không ít khó khăn. Vậy, cách nào để gỡ khó?
Khó khăn trước hết thuộc về bản thân các nhà giáo. Do việc dạy học trực tuyến, học qua mạng không phải là công việc tiến hành thường xuyên như ở bậc đại học. Vì thế, trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tuyến được các nhà trường triển khai để đảm bảo cho học sinh được duy trì học tập, đảm bảo học kiến thức, kỹ năng các bộ môn, nhất là học sinh cuối cấp, khi bắt tay thực hiện, khá nhiều giáo viên lúng túng về kỹ thuật thực hiện.
Có nhiều nguyên nhân, song, chủ yếu vẫn là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả. Hơn nữa, đa phần giáo viên đã quen với không gian trực tiếp trước học trò, nay đứng trong không gian trực tuyến để giảng bài, nhiều thầy cô sẽ lúng túng hoặc không tự tin khi triển khai bài giảng.
Mùa dịch bệnh, giải pháp dạy và học trực tuyến (online) tuy khả quan, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. (Ảnh: Đình Tăng). |
Khó khăn thứ hai thuộc về học sinh. Mặc dù các em khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô giáo nhưng trên thực tế, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình học sinh sẽ chi phối nhiều đến hoạt động học trực tuyến. Bởi lẽ, không phải gia đình nào cũng trang bị được mạng, máy tính, điện thoại thông minh để cho con em mình học tập, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Hơn nữa, do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nền nếp, ý thức học tập của học sinh không được trực tiếp nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.
Khi dạy và học thì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh là yếu tố rất quan trọng. Nếu ở bài giảng trên lớp, sự tương tác được phát huy hiệu quả thì học trực tuyến, giáo viên chủ yếu là thực hiện bài giảng một chiều, học sinh tiếp nhận qua mạng, qua các phương tiện, sự tương tác cần thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập sau đó chứ không trực tiếp. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.
Về phía gia đình học sinh, ngoài khó khăn về phương tiện phục vụ cho học sinh học trực tuyến thì nhiều phụ huynh không có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để trợ giúp cho con em mình; vẫn phải đi làm hằng ngày, không có thời gian để tổ chức, quản lý việc học của các em ở nhà…
Khi các nhà trường, các thầy cô giáo triển khai dạy học trực tuyến, nếu không xây dựng kế hoạch cụ thể thì chắc chắn học sinh sẽ rơi vào tình trạng học chồng chéo giữa các bộ môn vì có thể, cùng một thời gian sẽ nhiều môn học, làm bài tập được giao. Như thế, hiệu quả khi học theo từng môn học sẽ không cao.
Từ những khó khăn như trên, khi triển khai học tập trực tuyến cho học sinh, các địa phương, các nhà trường và bản thân mỗi thầy cô giáo cần có những giải pháp để “gỡ khó”, triển khai có hiệu quả công việc này.
Trước hết, các Sở GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến để các nhà trường triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên kỹ thuật thực hiện, xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn, khối lớp. Các nhà trường cần tăng cường cơ sở vật chất, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Nhà trường, các thầy cô giáo cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh học tập tại nhà. Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các thầy cô giáo cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp. Có thể lựa chọn một trong các hình thức như dạy thông qua trực tuyến, qua online, qua nhóm zalo, messenger, facebook, email... Ở những nơi không có điều kiện về mạng, kỹ thuật thì cần tìm giải pháp để giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh như soạn bài ôn tập, in và thông báo phụ huynh đến nhận.
Trong quá trình dạy, giáo viên tăng cường tương tác với học sinh qua các kênh để nắm bắt ý thức học tập, chất lượng học tập bài học và những khó khăn của học sinh qua bài giảng. Thường xuyên nhắc nhở học sinh, gửi lịch phát bài giảng trực tuyến của các đài truyền hình trung ương và địa phương để học sinh tham gia học tập, sau đó, có câu hỏi, bài tập để đánh giá kết quả học tập qua truyền hình của học sinh./.