Khắc phục “khâu yếu" trong công tác đánh giá cán bộ
(ĐCSVN) – Đánh giá cán bộ theo “cảm tính”, theo mối quan hệ “thân thuộc” với sếp hay tình trạng nể nang, né tránh khi đánh giá, nhận xét cán bộ cấp trên… được xác định là "khâu yếu" trong công tác cán bộ. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ từ trung ương đến cơ sở.
Thiếu “thước đo”
Trong thời gian vừa qua, đã có những trường hợp cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc”, sai quy định của Đảng và Nhà nước khiến dư luận nhân dân không đồng tình. Một chủ doanh nghiệp tư nhân sau gần 5 tháng đã trở thành một cán bộ tương đương cấp sở; một nhân viên sau một thời gian ngắn đã lên chức trưởng phòng và còn tiếp tục được quy hoạch chức danh phó giám đốc sở; tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân còn “nợ tiêu chuẩn”... Hay một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua bị kỷ luật vì liên quan đến nhiều sai phạm trong quá trình quản lý đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân về công tác cán bộ.
Tình trạng một số cán bộ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để tạo những “sân sau” trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế hay thành lập quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân vì lợi ích cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ để tham nhũng đã và đang được phát hiện, xử lý trong thời gian này cũng một lần nữa cho thấy, công tác cán bộ đang còn tồn tại những “điểm yếu” cần khắc phục.
Điều đáng nói là những hành vi vi phạm diễn ra trong một thời gian dài và những cán bộ đó trải qua những chức vụ, những địa vị khác nhau theo hướng được thăng chức và đó cũng là kết quả của cả quá trình quản lý, đánh giá cán bộ tại các cấp ủy nhưng không phải nơi nào cũng phát hiện ra. Nguyên nhân chủ yếu là do những cơ chế, quy chế, quy định đã tạo ra những kẻ hở để họ có thể "vận dụng", để làm khác, làm trái. Không có tiêu chí cụ thể thì rất khó đánh giá cán bộ.
Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2017 đã từng nhận định: “Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm. Còn tình trạng cấp dưới chưa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên. Ở một số nơi, một số trường hợp tuy thực hiện “đúng” quy trình nhưng vẫn không chọn “trúng” người, “đúng” việc, gây bức xúc trong xã hội, như các trường hợp: Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... Tình trạng trên phải chăng là do: Còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu dân chủ trong việc giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nhân sự. Còn kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm”?.
Cơ sở để giám sát cán bộ cấp cao
Để khắc phục tình trạng này, mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Theo quy định, các cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; mẫu mực về phẩm chất đạo đức; đồng thời phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, không tham nhũng, cơ hội, không để người thân lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi.
Ngoài quy định chung, lần này, Bộ Chính trị cũng quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với 20 chức danh lãnh đạo cao cấp của hệ thống chính trị từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đến các cán bộ cấp Bộ trưởng và tương đương. Quy định này cũng đã thống nhất bộ khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thể hiện thành 2 nhóm tiêu chí gắn với công việc lãnh đạo, quản lý theo chức danh. Quy định cũng giao các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng, cụ thể hóa và ban hành bộ tiêu chí để đánh giá cán bộ cấp mình quản lý.
Đây có thể nói là lần đầu tiên, Đảng ta đã có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Đây là lần đầu tiên Đảng ta có quy định mang tính định lượng để quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, từ đó đánh giá cán bộ một cách khách quan và gắn với nhiệm vụ chính trị.
Theo đồng chí Vũ Ngọc Dũng - Vụ Trưởng Vụ Địa phương (Ban Tổ chức Trung ương), những quy định trên là cơ sở quan trọng để chúng ta khắc phục những yếu kém, hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ thời gian qua; đồng thời là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ đối chiếu, nhìn nhận rèn luyện, phấn đấu, là cơ sở quan trọng để cho tập thể đánh giá.
Những hạn chế trong công tác cán bộ, mấu chốt chính là ở khâu đánh giá cán bộ còn có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, bệnh thành tích... Nếu làm tốt công tác đánh giá cán bộ thì sẽ khắc phục được sự bất hợp lý giữa đánh giá cán bộ, xếp loại cá nhân với đánh giá tập thể.
Những quy định mới của Bộ Chính trị lần này là một bước đi rất phù hợp với thực tế, khi mà trong thời gian qua, dù đã có những chuyển biến tích cực, công tác cán bộ vẫn bộc lộ ra nhiều hạn chế, bất cập, để chấm dứt một số “bệnh trầm kha” như bệnh thành tích, bệnh đổ lỗi. Và đây cũng là cơ sở quan trọng để phục vụ cho việc chuẩn bị cán bộ cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, là hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Vẫn biết rằng, đánh giá cán bộ là điều rất khó, tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể làm được. Việc ký ban hành các quy định về đánh giá cán bộ đã cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc chấn chỉnh công tác đánh giá cán bộ - khâu từng được coi là yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ. Việc soi chiếu theo các tiêu chí gắn với kết quả công tác cũng sẽ giúp ngăn chặn những trường hợp dùng tấm lá chắn quy trình, chạy chức, chạy quyền, che chắn cho các cán bộ yếu kém về năng lực thâm nhập sâu hơn vào bộ máy.
Nhiều kỳ vọng được đặt ra khi Bộ Chính trị ban hành Quy định mới, sẽ không còn những bản đánh giá được lập vội vàng với nội dung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng không hề liên quan đến thực tế công tác, hay sẽ không tái diễn tình trạng "đốt đuốc" đi tìm nhân sự trước mỗi kỳ Đại hội. Nhân dân và các cấp ủy có thể cùng giám sát cán bộ khi đối chiếu với các tiêu chuẩn, tiêu chí đã được quy định.
Quy định đã có, việc thực hiện quy định và vận dụng vào thực tiễn như thế nào còn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của Đảng ta từ Trung ương tới cơ sở, sự gương mẫu, anh minh của người đứng đầu. Và vấn đề quan trọng hơn nữa là việc kiểm soát quyền lực khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cần có những quy định pháp lý đi kèm để đạt hiệu quả rõ nét hơn./.