Kết luận nguyên nhân cá chết tại lòng hồ Plei Krông (Kon Tum): Nước không có độc tố
(ĐCSVN) - Sáng 21/7, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã có kết quả quan trắc chất lượng nước khu vực lòng hồ Plei Krông (huyện Đăk Hà), nơi đã xảy ra sự việc hơn 70 tấn cá chết trắng vào ngày 11 - 13/7.
Trước đó, trong ba ngày từ 11/7-13/7, hơn 70 tấn cá lồng trên lòng hồ thủy điện Pleikrông bất ngờ chết hàng loạt. Nhiều người dân đã vay hàng trăm triệu để đầu tư nay cá chết “trắng”, người dân lao vào cảnh vỡ nợ.
Khi nhận được tin cá chết hàng loạt, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã đến hiện trường để thực hiện lấy 02 loại mẫu gồm: Nước xả thải tại điểm xả thải của Nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên Đăk Hà và 08 mẫu nước hồ Plei Krông tại 04 vị trí (mỗi vị trí lấy 02 mẫu: tầng mặt và tầng dưới cách mặt nước 1m) đế tiến hành xét nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ cá chết.
Qua kết quả phân tích các thông số đặc trưng trong nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên – Đăk Hà cho thấy, tất cả các giá trị đều nằm trong giới hạn cho phép. Các thông số môi trường xác định không có độc tính cao trong nước thải của Nhà máy. Kết quả kiểm cho thấy, nguồn nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên – Đăk Hà được phép xả vào nguồn tiếp nhận là lòng hồ Plei Krông mà không gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng nguồn tiếp nhận. Nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên – Đăk Hà đang thực hiện xả thải đúng vị trí, lưu lượng, quy chuẩn xả theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được UBND tỉnh cấp.
Còn kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước lòng hồ Plei Krông cho thấy, nồng độ pH của nguồn nước khá ổn định, ít dao động và có xu hướng giảm theo độ sâu mực nước hồ. Nguồn nước đục, nồng độ ôxy hòa tan trong nước hồ rất thấp và giảm theo độ sâu mực nước. Nồng độ chất hữu cơ trong nước khá cao, hầu hết các vị trí quan trắc đều vượt giới hạn quy định. Riêng thông số Amoni tại nhiều vị trí quan trắc vượt giới hạn quy định.
Qua xác minh, có thể đánh giá do trời mưa, nước mưa kéo theo bùn đất xuống lòng hồ. Một phần do Nhà máy thủy điện Plei Krông vận hành phát điện làm mực nước hồ hạ thấp, diện tích mặt thoáng lòng hồ bị thu hẹp nên khả năng khuếch tán ôxy từ không khí vào nguồn nước hồ bị hạn chế. Nguồn cung cấp ôxy cho nguồn nước từ bên ngoài giảm, dung tích hồ bị thu nhỏ, trong khi các lồng nuôi cá này là tự phát, có mật độ nuôi cá trong lồng cao nên hoạt động hô hấp của cá diễn ra mạnh càng làm suy giảm nồng độ ôxy hòa tan trong nước của lồng cá. Ngoài ra có thể do sự tích tụ chất thải (thức ăn dư thừa, chất thải từ cá) lâu ngày từ hoạt động nuôi cá lồng trên khu vực lòng hồ dẫn đến tăng nồng độ chất hữu cơ, Amoni trong nước./.