Israel tăng cường không kích dải Gaza
(ĐCSVN) - Ngày 10/10, Israel đã tăng cường các cuộc không kích vào dải Gaza và tăng cường lực lượng dọc biên giới trong bối cảnh các cuộc đụng độ dữ dội giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas của Palestine đã bước sang ngày thứ 4 liên tiếp.
- Liên hợp quốc quan ngại về tình hình nhân đạo ở Gaza
- Quốc tế tiếp tục kêu gọi Israel và Palestine kiềm chế
Một loạt tên lửa được bắn từ Gaza về phía lãnh thổ Israel, ngày 10/10/2023. (Ảnh: Xinhua) |
Đáp lại các cuộc tấn công của Israel, lực lượng Hamas đã phóng hàng loạt tên lửa nhắm vào miền Trung Israel, bao gồm cả Tel Aviv. Nhiều địa điểm giải trí và cửa hàng ở Tel Aviv vẫn đóng cửa kể từ khi xung đột bùng phát hồi cuối tuần trước. Khi màn đêm buông xuống, tên lửa bắn vào Ashkelon, khiến người dân phải tìm nơi trú ẩn.
Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari, cho biết IDF đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết khu vực phía Nam đã bị lực lượng Hamas xâm nhập trong cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10. Bộ Giáo dục Israel thông báo các trường học trên cả nước đã đóng cửa kể từ khi bắt đầu xung đột và hiện trạng này sẽ tiếp tục được duy trì trong ngày hôm nay (11/10).
Cuộc đụng độ được cho là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ đã gây thiệt hại nặng nề cho cả Israel và Palestine. Ngày 10/10, Bộ Y tế Palestine cho biết, số người chết vì các cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã tăng lên 900, với 4.500 người bị thương. Trong khi đó, kênh tin Kan TV thuộc sở hữu nhà nước Israel cũng thông tin đã có ít nhất 1.008 người đã thiệt mạng ở Israel kể từ khi xung đột bùng phát từ hôm 7/10.
Hiện Israel tiếp tục các cuộc không kích quy mô lớn và đã áp đặt lệnh phong tỏa tạm thời, tạm dừng việc cung cấp nước, điện và thực phẩm cho Gaza. Trước tình hình trên, Liên hợp quốc cho biết, ít nhất 200.000 người Palestine đã phải rời bỏ nhà cửa, với hơn 120.000 người trú ẩn trong các trường học của Liên hợp quốc trong những điều kiện đầy thách thức, với khả năng tiếp cận các nguồn lực thiết yếu bị hạn chế.
Biên giới Israel - Lebanon cũng chứng kiến sự leo thang khi quân đội Israel đáp trả các loạt tên lửa từ Lebanon bằng hỏa lực. Các trường học ở khu vực gần biên giới đầy biến động ở miền Nam Lebanon vẫn trong tình trạng đóng cửa.
Trước đó, cùng ngày, Israel đã không kích khu vực cửa khẩu biên giới Rafah giữa Gaza và Ai Cập, làm gián đoạn việc cung cấp viện trợ nhân đạo. Trong bối cảnh trên, các cuộc đàm phán giữa Liên hợp quốc và giới chức Ai Cập vẫn đang diễn ra để đảm bảo viện trợ nhân đạo thông suốt, cùng với việc tìm kiếm sự đảm bảo từ Israel và Mỹ.
Với tư cách là nhà trung gian đàm phán quan trọng giữa Israel và Palestine, Ai Cập đã và đang tăng cường nỗ lực nhằm giảm leo thang xung đột. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi, ngày 10/10, cảnh báo tình thế leo thang quân sự hiện nay đang "rất nguy hiểm" và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định khu vực. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh cam kết của Ai Cập đối với giải pháp hai nhà nước, đồng thời kêu gọi đàm phán vì hòa bình công bằng và một nhà nước Palestine độc lập.
Người dân đi ngang qua các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel nhằm vào Gaza, ngày 10/10/2023. (Ảnh: Xinhua) |
Cũng trong ngày 10/10, truyền thông Ả Rập Xê Út đưa tin, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman Al Saud đã cam kết hỗ trợ liên tục cho người dân Palestine và nỗ lực ngăn chặn bất ổn leo thang.
Trong khi đó, Liên đoàn Ả Rập (AL) dự kiến sẽ triệu tập phiên họp khẩn vào ngày 11/10. Theo đó, Bộ trưởng ngoại giao từ các nước thành viên AL sẽ nhóm họp để thảo luận về các chiến lược nhằm giảm leo thang xung đột và ngăn ngừa thiệt hại thêm cho dân thường.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc các bên nhắm mục tiêu vào các khu định cư dân sự trong giao tranh.
Nhân dịp này, cả hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về thương vong dân sự từ cả phía Israel và Palestine, từ đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp đặt một "lệnh ngừng bắn ngay lập tức" và "nối lại quá trình đàm phán".
Ngày 10/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để ra vào dải Gaza trong bối cảnh xung đột leo thang. Trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của WHO - ông Tarik Jasarevic kêu gọi chấm dứt bạo lực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một hành lang nhân đạo để giúp người dân tại dải Gaza tiếp cận y tế thiết yếu.
Phát ngôn viên trên cho biết, WHO đã ghi nhận 13 vụ tấn công vào các cơ sở y tế tại dải Gaza kể từ cuối tuần qua và số vật tư y tế tại đây đã được sử dụng hết. Nguồn cung cấp các hàng hóa thiết yếu của WHO ở dải Gaza đã cạn kiệt trong khi các bệnh nhân tại các bệnh viện ở khu vực này lại đang rất cần những nguồn cung cấp đó.
“WHO đang kêu gọi chấm dứt bạo lực… cần có một hành lang nhân đạo để các nguồn cung y tế quan trọng được tiếp cận với người dân… Chúng tôi cần nguồn cung cấp, bệnh viện không thể hoạt động nếu không có nhiên liệu, không có điện… Các nguồn cung mà chúng tôi đã đặt trước sắp cạn kiện nên chúng tôi cần những nguồn cung bổ sung” – ông Jasarevic nói.
Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk cho rằng việc Israel bao vây dải Gaza khiến người dân nơi đây không tiếp cận được nhu yếu phẩm là hành vi bị cấm theo luật quốc tế. Ông Turk kêu gọi các bên giảm căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh theo luật nhân đạo quốc tế, các bên xung đột có nghĩa vụ phải tránh các mục tiêu dân thường. “Bất kỳ hành vi nào hạn chế người đi lại và hàng hóa lưu thông trong việc thực hiện lệnh bao vây đều phải có lý do chính đáng về quân sự, nếu không sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt tập thể” - Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền lưu ý./.