Liên hợp quốc quan ngại về tình hình nhân đạo ở Gaza
(ĐCSVN) - Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ngày 9/10, cho biết hơn 123.000 người đã phải di dời trong nội bộ Gaza do các cuộc đụng độ đang diễn ra giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào thành phố Gaza, ngày 9/10/2023. (Ảnh: Rizek Abdeljawad/Tân Hoa Xã) |
Theo OCHA, các cuộc không kích và pháo kích của Israel nhắm mục tiêu vào nhiều công trình dân sự, khiến 4 tòa chung cư lớn ở thành phố Gaza bị phá hủy. Các cuộc tấn công cũng khiến 6 nhân viên y tế thiệt mạng, 4 người khác bị thương, 7 cơ sở chăm sóc sức khỏe và 9 xe cứu thương bị hư hại. Cuộc sống của hơn 400.000 người đã bị ảnh hưởng do các cơ sở hạ tầng về nước và vệ sinh đã bị hư hại. Nhà máy điện Gaza - nguồn cung cấp điện duy nhất cho khu vực này, đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nhiên liệu trong vài ngày tới.
Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) ước tính hơn một nửa số người phải di dời đang trú ẩn trong hàng chục trường học. UNRWA đã chỉ định những nơi trú ẩn khẩn cấp để tiếp đón và hỗ trợ cho những người này.
Trong bối cảnh trên, việc hỗ trợ tiền mặt cũng rất cần thiết cho cả những người dân phải rời bỏ nhà cửa và cộng đồng tiếp nhận người tị nạn ở Gaza. Các đối tác nhân đạo đang nỗ lực cung cấp các thiết bị vệ sinh và hỗ trợ tâm lý xã hội cho các gia đình bị ảnh hưởng.
Theo thông tin từ người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã bắt đầu phân phối thực phẩm cho 100.000 người phải di tản ở Gaza và tạm trú tại các khu vực do UNRWA thiết lập.
Trong vài ngày tới, WFP dự kiến sẽ hỗ trợ lương thực và tiền mặt cho khoảng 800.000 người ở Gaza, nếu như nhận đủ nguồn tài trợ cần thiết. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9/10, ông Dujarric cho biết, WFP sẽ cần 16,8 triệu USD để tiếp cận 805.000 người cần hỗ trợ ở Gaza trong tháng tới.
Ngày 9/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã bày tỏ sự quan ngại sau khi Israel thông báo sẽ phong tỏa toàn bộ dải Gaza. Tình hình nhân đạo ở Gaza đã vô cùng nghiêm trọng ngay cả trước khi bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas leo thang đột ngột vào cuối tuần qua. Theo dự báo của ông Guterres thì tình hình ở Gaza sẽ diễn biến xấu “theo cấp số nhân” trong những ngày tới.
Trong bối cảnh hiện nay, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, thiết bị y tế, thực phẩm, nhiên liệu cũng như các nguồn cung cấp và khả năng tiếp cận nhân đạo khác là rất cần thiết. "Tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan cho phép Liên hợp quốc tiếp cận để cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho thường dân Palestine bị mắc kẹt ở Dải Gaza. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế huy động hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức cho nỗ lực này” – ông Guterres nói.
Một người dân bất lực đứng nhìn những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel ở thành phố Gaza. (Ảnh: Rizek Abdeljawad/Tân Hoa Xã) |
Bạo lực bùng phát xung quanh dải Gaza từ cuối tuần qua, sau khi Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine tiến hành cuộc tấn công tên lửa chưa từng có vào lãnh thổ Israel. Ngày 7 và 8/8, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành các đợt không kích trên khắp dải Gaza vốn là nơi sinh sống của khoảng 2,3 triệu người Palestine. Ngày 9/10, Israel đã tăng cường các cuộc không kích ở Gaza và áp đặt một "lệnh phong tỏa toàn diện" tại khu vực này, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas bước sang ngày thứ 3 liên tiếp. Các cuộc tấn công bằng rocket đáp trả lẫn nhau đã khiến hàng trăm người ở cả mỗi bên thiệt mạng, trong khi con số thương vong đã lên tới hàng nghìn người. Trong thông báo phát đi ngày 9/10, kênh truyền hình Kan TV thuộc sở hữu nhà nước của Israel cho biết ít nhất 900 người Israel đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Hamas. Còn cơ quan y tế ở Gaza cho biết, số người chết vì các cuộc không kích của Israel ở Gaza đã tăng lên 687, trong đó có 140 trẻ em và 105 phụ nữ.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, một trường học của UNRWA được sử dụng làm nơi trú ẩn cho khoảng 225 người phải di dời đã bị tấn công trực tiếp vào cuối tuần qua. Kết quả là ngôi trường này đã bị hư hại nghiêm trọng dù không có thương vong nào được ghi nhận. Hiện tất cả các trường học của UNRWA trên dải Gaza đều bị đóng cửa, khiến hơn 300.000 sinh viên bị ảnh hưởng.
Ông Dujarric cho biết UNRWA hiện duy trì sự hiện diện của khoảng 13.000 nhân viên ở Gaza. Trong tình cảnh bất ổn hiện nay, các nhân viên của UNRWA không thể rời Gaza và tiếp tục tập trung vào những nỗ lực hỗ trợ người dân nơi đây trong phạm vi cho phép.
Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang rốt ráo theo đuổi các nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng ở Gaza. Ngày 9/10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Saudi Arabia - Thái tử Mohammed bin Salman, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống CH Cyprus Nikos Christodoulides để thảo luận các cách thức giảm leo thang bạo lực giữa Israel và Hamas.
Cùng ngày, Tổng thống El Sisi cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống El-Sisi và người đồng cấp UAE nhất trí về tầm quan trọng của việc phối hợp và tham vấn chuyên sâu cũng như thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang xung đột, bảo vệ dân thường, thúc đẩy các giải pháp thiết lập nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài, cũng như củng cố an ninh và ổn định trong khu vực.
Nhân cuộc điện đàm vừa diễn ra với Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp cứu trợ và viện trợ y tế cho người dân ở dải Gaza để ngăn chặn "thảm họa nhân đạo” tại khu vực này. Về phía ông Guterres cho biết Liên hợp quốc đang tích cực triển khai công tác cứu trợ ở Gaza./.