Israel đồng ý nối lại đàm phán ngừng bắn ở Gaza
(ĐCSVN) – Sáng 9/8, Israel đã trả lời các nước trung gian Qatar, Ai Cập và Mỹ về việc sẽ cử một phái đoàn tiếp tục đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vào ngày 15/8 tới. Đây được coi là một diễn biến tích cực hiếm hoi giữa lúc các cuộc pháo kích không ngừng nghỉ của Israel vào vùng lãnh thổ này đã giết chết gần 40.000 người Palestine và làm dấy lên lo ngại về sự leo thang bất ổn trong khu vực.
Khung cảnh tan hoang ở Khan Younis, ngày 8/8/2024. (Ảnh: Xinhua) |
Truyền thông nước ngoài dẫn thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, một nhóm đàm phán sẽ được cử đi "để hoàn thiện các chi tiết thực hiện thỏa thuận khung".
Thông báo được đưa ra sau khi các nước trung gian Qatar, Ai Cập, và Mỹ ra tuyên bố chung, kêu gọi Israel và phong trào Hamas khởi động lại các cuộc đàm phán khẩn cấp vào ngày 15/8 tại Doha (Qatar) hoặc Cairo (Ai Cập) để thu hẹp mọi khoảng cách còn lại trong thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất, tiến tới việc bắt đầu thực hiện thỏa thuận một cách không chậm trễ.
“Đã đến lúc ký kết thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời trao trả tự do cho các tù nhân cũng như các con tin… Chúng tôi đã làm việc trong nhiều tháng để đạt được thỏa thuận khung và giờ đây văn bản đã được đặt trên bàn đàm phán, chỉ còn thiếu chi tiết về việc thực hiện” – tuyên bố của các nước trung gian nêu rõ.
Ba nước Qatar, Ai Cập, Mỹ đều chia sẻ quan điểm cho rằng, đã đến lúc "đem lại sự cứu trợ ngay lập tức cho cả người dân Gaza vốn phải chịu nỗi thống khổ từ lâu cũng như những con tin bị giam giữ từ lâu và gia đình của họ".
"Không còn thời gian để lãng phí hay lý do nào để trì hoãn thêm nữa" – tuyên bố chung nêu rõ.
Cho đến nay, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhanh chóng hồi đáp rằng Israel sẽ cử một phái đoàn tham dự các cuộc đàm phán vào tuần tới “để hoàn thiện các chi tiết và thực hiện thỏa thuận khung”. Tuy nhiên, phong trào Hamas vẫn chưa có ý kiến phản hồi về việc nối lại đàm phán.
Tuyên bố chung nhằm kêu gọi nối lại đàm phán giữa Israel và phong trào Hamas được đưa ra trong bối cảnh nhiều nỗ lực ngoại giao đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza đều chưa mang lại kết quả như mong đợi. Chiến dịch quân sự do Israel phát động từ tháng 10 năm ngoái ở Gaza đã giết chết ít nhất 39.699 người Palestine và làm bị thương 91.722 người khác. Dải Gaza hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng do các biện pháp hạn chế của Israel đối với các hoạt động viện trợ, trong khi giao tranh diễn ra ác liệt khiến khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp y tế, thực phẩm và những nguồn cung thiết yếu khác trở nên khó khăn hơn.
Israel ra lệnh sơ tán trên diện rộng ở miền Nam Dải Gaza
Người dân sơ tán khỏi các quận phía Đông của thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza,ngày 8/8/2024. (Ảnh: Xinhua) |
Ngày 8/8, quân đội Israel đã ra lệnh sơ tán trên diện rộng ở các khu vực xung quanh thành phố Khan Younis thuộc miền Nam Dải Gaza, đồng thời cho biết các lực lượng của nước này sẽ nhanh chóng triển khai trong khu vực để đáp trả vụ tấn công bằng rocket.
Kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái, quân đội Israel đã nhiều lần quay trở lại các khu vực ở Dải Gaza mà lực lượng này từng càn quét trước đó. Khan Younis, thành phố lớn thứ 2 ở Dải Gaza, đã bị phá hủy gần như hoàn toàn sau những đợt tấn công trên không và trên bộ của Israel từ đầu năm nay.
Sau lệnh sơ tán mới do chính quyền Israel ban hành, các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc, ngày 8/8 dẫn báo cáo từ các đối tác cho biết, rằng hàng nghìn người dân Gaza một lần nữa lại phải chạy trốn khỏi một số khu vực của Khan Younis về phía Al Mawasi.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết lệnh sơ tán này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ở phía Đông và trung tâm Khan Younis cũng như khu vực Al Salqa của Deir al Balah. Qua đó, OCHA kêu gọi tất cả các bên xung đột tôn trọng nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế, bao gồm cả việc bảo vệ dân thường và các vật thể dân sự. Ngoài ra, OCHA cũng kêu gọi các bên cho phép dân thường di dời đến các khu vực an toàn hơn và cho phép họ trở về ngay khi điều kiện cho phép. “Mọi người đều phải có thể nhận được hỗ trợ nhân đạo, cho dù họ rời đi hay ở lại” – tuyên bố của OCHA nêu rõ.
OCHA cảnh báo rằng những hạn chế về cung cấp nước sinh hoạt và xử lý nước thải ở Gaza tiếp tục khiến người Palestine phải đối mặt với những rủi ro đáng kể về sức khỏe. Việc thiếu máy phát điện và các nguồn năng lượng thay thế cũng như tình trạng thiếu phụ tùng để vận hành các máy phát điện hiện có đã cản trở những nỗ lực mở rộng quy mô ứng phó về nước, vệ sinh và vệ sinh.
Các nhà nhân đạo cho biết một thách thức lớn khác là nhu cầu tăng cao về nhiều nhiên liệu. Tháng trước, các đối tác nhân đạo hỗ trợ các dịch vụ nước, vệ sinh và vệ sinh ở Gaza đã báo cáo rằng họ chỉ nhận được hơn 75.000 lít nhiên liệu. Con số này tăng khoảng 29% so với tháng 6, nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 70% ngưỡng hoạt động tối thiểu.
Cùng chung quan ngại, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, các hành vi thù địch, đường sá bị hư hỏng và tình trạng mất trật tự và an toàn công cộng đã cản trở nghiêm trọng hoạt động vận chuyển lương thực tại Gaza, buộc người dân nơi đây phải cắt giảm khẩu phần ăn. WFP hiện đang rất cần nguồn cung cấp nhiên liệu, tăng cường nguồn cung cấp lương thực và tăng khả năng cung cấp các bữa ăn nóng, đặc biệt là tại Thành phố Gaza và Bắc Gaza.
Cơ quan này cho biết mặc dù đã tiếp cận được 1 triệu người tại Gaza vào tháng 7 vừa qua, song các hoạt động phân phối lương thực vẫn tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nghiêm trọng do xung đột, lệnh sơ tán và thiệt hại về cơ sở hạ tầng.
WFP cảnh báo, trong tháng này, họ sẽ không thể cung cấp đủ lượng lương thực cần thiết cho người dân Gaza trừ khi có thêm nhiều cửa khẩu biên giới vào Gaza mở cửa, cho phép nhân viên cứu trợ có thể tiếp cận người dân một cách an toàn và trên quy mô lớn. Tháng trước, cơ quan này cũng chỉ có thể cung cấp được 50% lượng lương thực cần thiết cho người dân Gaza.
Trong khi đó, WFP cảnh báo tình trạng bạo lực leo thang ở Bờ Tây đẩy số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực lên con số ít nhất 600.000 người. Vào đầu năm ngoái, 352.000 người tại khu vực này đã phải chật vật đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực./.