Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2021

Thứ Sáu, 13/08/2021 16:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 12/8, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris (Pháp) dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ giảm “đáng kể” trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Giá dầu thế giới đã giảm 6% trong tháng này do biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng tại các nền kinh tế quan trọng tại châu Á. (Ảnh: AFP) 

Theo báo cáo hàng tháng của IEA, cơ quan này dự đoán rằng việc sử dụng nhiên liệu trên thế giới sẽ tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày lên trung bình 96,2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2021, giảm 500.000 thùng/ngày so với mức dự báo trước đó do diễn biến xấu của dịch bệnh. Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhu cầu dầu mỏ thế giới đạt mức 100 triệu thùng/ngày.

“Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong nửa cuối năm 2021 sẽ giảm đáng kể do các biện pháp hạn chế được áp đặt tại một số thị trường tiêu thụ nhiều dầu mỏ, đặc biệt tại châu Á”, báo cáo nêu rõ.

IEA cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu “đột ngột đảo chiều” vào tháng trước và giảm nhẹ sau khi tăng 3,8 triệu thùng/ngày vào tháng 6 do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh làm gián đoạn hoạt động tại nhiều quốc gia tại châu Á.

Tuy nhiên, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, đạt trung bình 98,8 triệu thùng/ngày trong bối cảnh các nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch.

IEA cũng cho biết sản lượng khai thác dầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhất trí tăng sản lượng. Ngày 18/7 vừa qua, OPEC+ cho biết, 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày. 

IEA cho biết trong báo cáo hàng tháng: “Sự thúc đẩy ngay lập tức từ OPEC+ đang xung đột với tốc độ tăng trưởng nhu cầu chậm hơn và sản lượng cao hơn từ bên ngoài liên minh". Theo IEA, thị trường dầu mỏ có thể quay trở lại mức thặng dư vào năm 2022 nếu OPEC+ tiếp tục tăng nguồn cung và các nhà sản xuất không tham gia vào thỏa thuận để hỗ trợ giá dầu lên cao hơn.

Giá dầu thế giới đã giảm 6% trong tháng này do biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng tại các nền kinh tế quan trọng tại châu Á. Giá dầu thô Brent hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 71 USD/thùng sau khi chạm mức kỷ lục trong vòng 2 năm khi giao dịch ở mức 78 USD/thùng vào đầu tháng 7.

Ngày 11/8 vừa qua, giới chức Mỹ đã hối thúc OPEC+ tăng sản lượng dầu nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng, mức tăng sản lượng dầu theo kế hoạch của những nhà sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới là không đủ vào thời điểm quan trọng hiện nay khi các nền kinh tế bắt đầu dần phục hồi sau đại dịch COVID-19. 

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo./.

Hoài Hà (Theo Reuters, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN