Huyện miền núi Kim Bôi vươn mình phát triển mạnh mẽ
(ĐCSVN) - Hành trình 65 năm xây dựng, phát triển và không ngừng đổi mới đã khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của huyện miền núi Kim Bôi. Từ một vùng quê thuần nông nghèo khó, nay đã tạo dựng được nhiều thành tựu ấn tượng, trở thành một trong những địa phương phát triển bền vững của tỉnh Hòa Bình.
Kim Bôi đã từng bước vươn lên mạnh mẽ
Huyện Kim Bôi nằm giữa lòng tỉnh Hòa Bình, nổi tiếng với vẻ đẹp nguyên sơ của vùng núi non, suối khoáng nóng và nét văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, điều làm nên dấu ấn đậm nét cho Kim Bôi chính là hành trình 65 năm xây dựng, phát triển và không ngừng đổi mới của một huyện miền núi. Trải qua biết bao khó khăn, thử thách, Kim Bôi đã từng bước vươn lên mạnh mẽ, từ một vùng quê thuần nông nghèo khó, nay đã trở thành một trong những địa phương phát triển bền vững tạo dựng được nhiều thành tựu ấn tượng.
Kim Bôi - Mường Động là miền đất giàu truyền thống cách mạng, giàu truyền thống văn hóa, là một trong bốn vùng Mường nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình (Nhất Bi, Nhì Vang, Tam Thàng, Tứ Động). Lịch sử Kim Bôi với những trang sử vàng chói lọi, gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Nhà sàn - nơi Bác Hồ về thăm và làm việc với Huyện ủy Kim Bôi năm 1964. |
Trước cách mạng Tháng 8, người dân Kim Bôi sống dưới ách cai trị của thực dân, phong kiến, bị bóc lột nặng nề bởi chế độ hà khắc của bọn xâm lược và bè lũ lang đạo tàn ác. Trong màn đêm nô lệ, người dân Kim Bôi vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng, cùng với nhân dân cả nước làm nên thành công của cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (giai đoạn 1945 - 1954), vùng trong của Châu Lương Sơn xưa (nay là huyện Kim Bôi) được Khu II và Tỉnh ủy Hòa Bình chọn để xây dựng khu căn cứ kháng chiến. Ngày 11/5/1947, Chi bộ đảng Nật sơn - Chi bộ đảng đầu tiên của huyện được thành lập. Từ đây, Chi bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng lan rộng trong toàn huyện. Kim Bôi cũng vinh dự là nơi được Tỉnh ủy Hòa Bình hai lần lựa chọn tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trong những ngày kháng chiến, quân và dân Kim Bôi vừa chiến đấu, vừa giữ đất, giữ làng; đã huy động hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong ra mặt trận; đóng góp hàng vạn ngày công và hàng ngàn tấn lương thực cùng nhiều phương tiện phục vụ cho kháng chiến, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong những năm đó, mặc dù nền kinh tế còn phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Bôi đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn để giữ vững lòng tin vào tương lai phát triển quê hương. Đặc biệt, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/9/1964 đã trở thành một cột mốc vàng son trong lịch sử phát triển của huyện. Hình ảnh Bác Hồ ân cần thăm hỏi, động viên bà con dân tộc đã khắc sâu trong tâm trí của người dân Kim Bôi, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm để địa phương vươn lên mạnh mẽ.
Trong giai đoạn từ 1955 - 1975, Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Bôi vừa thực hiện công cuộc xây dựng CNXH vừa cùng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, hàng ngàn người con quê hương Kim Bôi tiếp tục lên đường tham gia chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; đồng thời là hậu phương vững chắc, chi viện hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, góp phần cùng Nhân dân cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, huyện Kim Bôi có hơn 5.400 người có công với cách mạng, trong đó có 22 Mẹ Việt Nam anh hùng, 640 liệt sỹ, 491 thương bệnh binh, người bị tù đày, 256 người bị nhiễm chất độc hóa học… đã khẳng định những đóng góp to lớn của quân và dân huyện Kim Bôi đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Năm 2002, huyện Kim Bôi được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Năm 2009, huyện đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba.
Đặc biệt nhất, ngày 19/9/1964, Kim Bôi vinh dự và tự hào được đón Bác Hồ về thăm và làm việc. Bác đã ân cần nhắc nhở từng nơi ăn, nếp ở, cách thức thâm canh, tăng gia, sản xuất làm sao đạt hiệu quả cao. Bác khuyên: “Mọi người cần nêu cao ý thức tiết kiệm, không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hóa”.
Bác căn dặn: "Huyện Kim Bôi có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, cần phải đoàn kết lại thì việc gì cũng làm được... các cơ sở Đảng phải củng cố vững chắc. Mỗi đảng viên cần phải gương mẫu, quyết tâm và luôn đi trước tiên phong trong mọi công việc. Huyện ủy phải lãnh đạo nhân dân thật tốt mọi nhiệm vụ của Đảng, của chính quyền!...".
Huyện Kim Bôi được quy hoạch tới năm 2030 trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của khu vực và cả nước. Nguồn ảnh: Cổng thông tin tỉnh Hòa Bình |
Khắc ghi và thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, giữ gìn an ninh, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn Miền Nam; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương; giành nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt.
Sau khi đất nước thống nhất, Kim Bôi bước vào một thời kỳ mới với nhiều thách thức của sự nghiệp đổi mới. Từ một huyện thuần nông, với phần lớn diện tích là rừng núi, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn và lạc hậu, chính quyền và nhân dân Kim Bôi đã phải đối mặt với nhiệm vụ nặng nề là cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và thoát nghèo.
Kim Bôi đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng
Từ những năm 1990, cùng với sự phát triển chung của cả nước, Kim Bôi đã bắt đầu khởi động chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững và khai thác tiềm năng du lịch. Năm 1999, Kim Bôi đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, với những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc áp dụng các kỹ thuật mới vào canh tác, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất.
Đáng chú ý nhất là trong gần 10 năm trở lại đây, Kim Bôi đã xác định rõ và phát huy thế mạnh của mình để vươn lên mạnh mẽ, đạt được những kết quả vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn ở mức cao. Kết quả thực hiện đến hết năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024 khá toàn diện, kinh tế của huyện phát triển mạnh, tăng trưởng kinh tế đạt 14,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, Kim Bôi đã có 06 xã về đích nông thôn mới, 17 sản phẩm được chứng nhận chuẩn OCOP điển hình như: Nhãn lồng Sơn Thủy, mật ong Hợp Tiến, nước khoáng thiên nhiên Kim Bôi, bưởi Mường Động…
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh, giảm dần sự cách biệt giữa các vùng trong huyện; tài nguyên - môi trường được giữ gìn; văn hóa - xã hội có sự tiến bộ và phát triển, dân trí được nâng lên, đời sống dân sinh được cải thiện, nâng cao chất lượng lao động, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, đẩy lùi các hủ tục; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực.
Kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương Mường Động anh hùng; kế thừa và phát huy công sức, thành quả của nhiều thế hệ; đặc biệt, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong chặng đường tiếp theo, Đảng bộ, quân và dân huyện Kim Bôi quyết tâm phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động các nguồn lực để kinh tế - xã hội để huyện phát triển theo hướng dịch vụ và sản xuất nông nghiệp bền vững.
Điểm du lịch Nà Bờ, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi thu hút đông du khách đến trải nghiệm. |
Trong đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, từ nông nghiệp thuần túy sang phát triển dịch vụ và du lịch đang giúp Kim Bôi vươn mình lên mạnh mẽ. Đảng bộ, chính quyền huyện Kim Bôi chủ trương tập trung phát triển du lịch với nhiều dự án du lịch sinh thái và khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng nổi tiếng thu hút du khách từ khắp nơi đổ về. Các khu du lịch như suối khoáng Kim Bôi, Serena resort, Mandala retreats, An Lạc Eco Farm&Springs... hay các điểm dã ngoại nổi tiếng như Camping Đồng Chờ, Nà Bờ... là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích thiên nhiên và muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc. Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu cho địa phương mà còn góp phần cải thiện đời sống của người dân, tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân nơi đây.
Trong thời gian tới, huyện Kim Bôi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, đa canh, tận dụng lợi thế đất đai, trồng các loại cây có giá trị kinh tế và có khả năng cạnh tranh; xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá, an toàn, sạch và hướng vào thị trường xuất khẩu; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để tiêu thụ hàng hóa có chất lượng…
Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề như chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, các ngành nghề thủ công truyền thống… Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý và huy động các nguồn vốn để phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng. Triển khai thực hiện tốt các dự án trọng điểm như: Dự án đường liên kết vùng Hà Nội - Hòa Bình, Dự án Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo xã Cuối Hạ… để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giao thông nông thôn, thuỷ lợi, trường học, trụ sở, trạm xá, xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, bền vững, tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trong huyện.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập huyện Kim Bôi (17/4/1959 - 17/4/2024) và 60 năm ngày Bác Hồ về thăm và làm việc, huyện Kim Bôi đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước. Hành trình 65 năm của Kim Bôi không chỉ là câu chuyện về sự phát triển của một huyện miền núi, mà còn là bài học về tinh thần đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm vươn lên của cả một cộng đồng. Trong thời gian tới, với sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, Kim Bôi chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành niềm tự hào của tỉnh Hòa Bình và là điểm sáng cho sự phát triển của vùng núi phía Bắc./.