Huy động nguồn lực tốt nhất cho đề án nâng cao sức khỏe đất
(ĐCSVN) - Sáng 18/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" chính thức được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 11/10/2024. (Ảnh minh họa: PV). |
Hội nghị được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom, được tường thuật trực tiếp trên các nền tảng của Báo Nông nghiệp Việt Nam, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung. Đại biểu tham dự đến từ nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế…
Trước đó, ngày 11/10/2024, Bộ NN&PTNT chính thức phê duyệt Đề án "Nâng cao sức khoẻ đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”. Đề án ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao sức khoẻ của đất trồng là cấp thiết
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: PV) |
Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá, đề án được ban hành đúng thời điểm, việc nâng cao sức khỏe của đất trồng là đúng do chất lượng đất đã bị suy giảm rất nhiều, đặc biệt là độ phì nhiêu của đất.
Theo ông Hà, mối liên hệ giữa đất với cây trồng là đương nhiên, giữa đất và cây là phân bón. Cây trồng muốn phát triển phải có phân bón, nếu không sử dụng phân bón thì 50% dân số sẽ thiếu lương thực.
Thực trạng tại Việt Nam, quá nhiều dư lượng phân bón trong đất trồng và cao hơn so với chỉ số trung bình của thế giới, đặc biệt là dùng quá dư thừa phân bón vô cơ. Hiện nay, nông dân đang sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, trong canh tác lúa. Theo một kết quả nghiên cứu, trên 1ha canh tác lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang sử dụng khoảng 700kg phân bón vô cơ. Tại đồng bằng sông Hồng là khoảng 600kg. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ sử dụng khoảng 293kg/1ha.
Ông Hà cho biết thêm, một trong những nhiệm vụ chính của Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", đó là, giảm lượng phân bón vô cơ, tăng sử dụng phân hữu cơ. Tuy nhiên, theo ông, như vậy là chưa đủ, nếu sử dụng phân bón vô cơ không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sản lượng của cây trồng.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, đất đai là đối tượng quản lý của rất nhiều bộ, ngành. Đất đai không chỉ liên quan tới cây trồng mà còn có vai trò quan trọng của rất nhiều các lĩnh vực xã hội.
Để triển khai đề án hiệu quả, theo ông Bộ, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất chính và phân bón cho cây trồng chủ lực; nghiên cứu KIT chẩn đoán nhanh đất và phân bón; đẩy mạnh truyền thông, kỷ niệm Ngày đất và phân bón thế giới.
“Quyết định số 1748 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung nâng cao sức khỏe đất và cây trồng. Phân bón chỉ là một yếu tố đầu vào. Chúng tôi đề nghị phải thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án; thứ hai, các địa phương cử người tham gia và tổ chức các hội thảo chuyên đề định kỳ; lồng ghép các đề án liên quan tới sức khỏe của đất và cây trồng. Nội dung, nhiệm vụ cụ thể, cần thống nhất hệ thống phân loại đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất và phân bón; đào tạo khuyến nông viên về nội dung này", PGS.TS Nguyễn Văn Bộ kiến nghị.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ
Chủ trì Hội thảo. (Ảnh: PV). |
Ông Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý phân bón - Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050” hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính, song song với sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực.
Bên cạnh đó, bộ chỉ tiêu và phân cấp chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất về vật lý, hóa học và sinh học theo các loại đất chính và cây trồng chủ lực cũng được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Ngoài ra, đề án hướng đến hoàn thiện quy trình canh tác gắn với sử dụng phân bón hiệu quả.
Từ đó, giảm thất thoát dinh dưỡng trên loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính.
Các chương trình, tài liệu tập huấn về sức khỏe đất trồng trọt và hướng dẫn sử dụng phân bón được đề án đẩy mạnh để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật. Đại diện Cục BVTV nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng. “Ngoài xây dựng mạng lưới cán bộ kỹ thuật phục vụ công tác nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng, cần truyên truyền để nhận được sự quan tâm của cộng đồng và sự tham gia, phối hợp, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sản xuất”, ông Vũ Thắng phát biểu.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung khẳng định: "Đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt của chúng ta. Đất nước ta và các tổ chức quốc tế đã đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn".
Ông Trung nhấn mạnh, vai trò của Sở NN&PTNT và các cơ quan ở địa phương là rất quan trọng trong vấn đề sức khỏe đất. Về phía Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp cùng các chuyên gia thực hiện đề án.
Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu của đề án là nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị các đơn vị tham gia thực hiện đề án cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, tránh chung chung; đồng thời phải có sự phối hợp với các đơn vị cục, viện nghiên cứu… trong quá trình triển khai./.