Hướng tới một khu vực hoà bình, thịnh vượng và bao trùm
(ĐCSVN) - Đối thoại nhằm mục đích tạo cơ hội để các nước trao đổi về các khái niệm, sáng kiến hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó tìm kiếm khả năng hợp tác cùng có lợi trên cơ sở các nguyên tắc chung.
Ngày 20/03/2019, tại Jakarta, Indonesia đã diễn ra “Đối thoại cấp cao về Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Hướng tới một khu vực hoà bình, thịnh vượng và bao trùm”, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao, Quan chức cao cấp của 10 nước ASEAN, 8 nước đối tác[1], cũng đại diện một số nước Nam Thái Bình Dương. Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại.
Được tổ chức theo sáng kiến của nước chủ nhà Indonesia, Đối thoại nhằm mục đích tạo cơ hội để các nước trao đổi về các khái niệm, sáng kiến hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó tìm kiếm khả năng hợp tác cùng có lợi trên cơ sở các nguyên tắc chung.
Trong phát biểu khai mạc, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với 3/5 diện tích bề mặt trái đất và có 3/5 dân số thế giới sinh sống. Do đó, xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng có ý nghĩa to lớn không chỉ với các nước trong khu vực mà với cả thế giới. Trong thời gian tới, Indonesia đề xuất các nước tập trung ưu tiên vào 3 lĩnh vực ưu tiên: hợp tác biển, hạ tầng và kết nối, và phát triển bền vững. Để làm cơ sở cho hợp tác, Phó Tổng thống Indonesia nhấn mạnh các nguyên tắc bao trùm, minh bạch, đối thoại và hợp tác, tôn trọng luật lệ, phát triển không loại trừ ai và hợp tác không nhằm thay thế mà củng cố, tăng cường những khuôn khổ, cơ chế hiện có.
Tại phiên thảo luận chung vào sáng ngày 20/3, đại diện 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đã lần lượt trình bày quan điểm, nhìn nhận của mình về hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như đề xuất phương hướng, biện pháp thúc đẩy hợp tác. Nhìn chung, các nước đều chia sẻ lợi ích chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoà bình, ổn định và thịnh vượng, dựa trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc chung. Trước tình hình đang có nhiều khái niệm, chiến lược hợp tác, điều quan trọng là cần tìm ra những điểm đồng giữa các sáng kiến, chiến lược này, từ đó làm cơ sở để thúc đẩy hợp tác chung. Đặc biệt, các nước đều đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, coi đây là cơ sở chính để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.
Vào chiều ngày 20/03 đã diễn ra các phiên thảo luận theo từng chủ đề: Phát triển bền vững (SDG), Hợp tác biển, Hạ tầng và Kết nối với sự tham dự của các đại biểu dự đối thoại, đại diện một số tổ chức quốc tế, học giả và khu vực tư nhân. Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá tình hình hợp tác, xác định những thách thức và tìm kiếm khả năng thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dự kiến nước chủ nhà Indonesia sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch tóm tắt các ý kiến, đề xuất đưa ra tại các phiên thảo luận.
Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Tô Anh Dũng chia sẻ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng cho tất cả là mục tiêu và nguyện vọng chung, do đó tất cả các nước cần có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia, đóng góp nhằm hiện thực hoá các mục tiêu này. Để làm được điều đó, Thứ trưởng nhấn mạnh các nước cần lấy hoà bình, ổn định và thịnh vượng làm mục tiêu chung, cùng với sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, và quyền tự quyết của các nước; coi đối thoại và hợp tác là công cụ chủ yếu trong quan hệ giữa các quốc gia, và lấy thượng tôn pháp luật là nền tảng để xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực. Thứ trưởng đề nghị cần thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa các nước, phát huy vai trò của ASEAN để định hướng cho hợp tác, dựa trên cơ sở là các chương trình, kế hoạch hợp tác hiện có cũng như các cơ chế, khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã có cuộc gặp và chào xã giao Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, gặp Trưởng đoàn một số nước để trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm./.