Hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn
(ĐCSVN) - Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: QH |
Sáng 27/5, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đánh giá đây là một dự án luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, mang tính xã hội cao và đối tượng chịu tác động trực tiếp rất rộng. Dự án luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã tăng 11 điều mới và chỉnh sửa ở hầu hết tất cả các điều.
Góp ý về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đại biểu cho rằng, trong bối cảnh và yêu cầu đặt ra khi xây dựng các phương án về bảo hiểm xã hội một lần phải đảm bảo mục tiêu kép, vừa phải thể chế hóa mục tiêu của Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
“Với mục tiêu phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, hiện đại, bền vững và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, có sự sẻ chia giữa Nhà nước - xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ gắn kết trong tổng thể hệ thống an sinh xã hội và tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, hai phương án được đưa ra trong dự thảo luật đều chưa phải là những phương án tối ưu vì chưa giải quyết được triệt để tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần và tạo được sự đồng thuận cao”, đại biểu cho hay.
Đại biểu nêu rõ, theo tổ chức lao động, bản chất bảo hiểm xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên trong xã hội thông qua một loạt các biện pháp công cộng để đối phó với các rủi ro, trước hết là khó khăn về kinh tế, sau đó là cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con. Xu hướng chung của thế giới là tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội trên cơ sở thực hiện bảo đảm quyền con người theo hướng phổ quát bảo hiểm xã hội toàn dân. Từ đó, thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng theo nguyên tắc đóng - hưởng, có sự sẻ chia trên cơ sở hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung, được Nhà nước bảo hộ và tham gia đầu tư phát triển bền vững quỹ.
Để đảm bảo hướng đến mục tiêu nguyên lý của bảo hiểm xã hội là đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động và hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, đại biểu cho rằng, phương án một cơ bản đảm bảo tính kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội và hạn chế được tình trạng một số bộ phận người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua, hướng tới việc khi có việc làm và có thu nhập sẽ tham gia bảo hiểm xã hội để tích lũy cho tương lai khi về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng ở nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.
“Như vậy, nếu chọn phương án 1 cần có giải pháp để khắc phục các hạn chế đã nêu trong Báo cáo 840 và về lâu dài cũng cần có định hướng truyền thông tham gia bảo hiểm xã hội để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế và lương hưu khi về già và việc khuyến khích tham gia và không hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn phụ thuộc vào tình trạng phát triển kinh tế, xã hội cũng như lao động, việc làm. Tôi đề xuất cần nên tham khảo thêm các nước nước đã áp dụng các xu thế này cho phù hợp với hiện tại và lâu dài", đại biểu nêu rõ.
Cho ý kiến về cải cách tiền lương, chính sách lương về mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ, do đó không còn căn cứ để thực hiện điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu cũng như các chế độ bảo hiểm xã hội khác đại biểu cho biết, vấn đề chưa đánh giá tác động đối với các mức tham chiếu như thế nào để thực hiện khi cải cách tiền lương thì chưa thật sự đầy đủ. Bởi vì, bên cạnh vấn đề liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội của các đối tượng đang thực hiện của ngân sách nhà nước thì hiện nay các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ việc chủ động trong vấn đề thực hiện đóng liên quan đến điều chỉnh mức lương cơ sở này thì chưa có căn cứ để cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ có thể thực hiện áp dụng. Trong khi giá dịch vụ y tế hay các học phí thì chưa được điều chỉnh phù hợp với các luật hiện hành đã ban hành cũng như dự kiến của Luật Bảo hiểm xã hội.
Chính vì thế, đại biểu đề nghị cần thiết phải có thời gian và có đánh giá tác động đối với cả lĩnh vực này. Theo như báo cáo dự kiến, hiện nay bên cạnh Luật Bảo hiểm xã hội thì Luật Bảo hiểm y tế đang dự kiến sửa đổi và sẽ trình trong các kỳ họp tiếp tới và để có căn cứ cũng như để cân bằng đối với 2 trụ cột an sinh của xã hội đó là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. “Chúng tôi đề nghị cần có thời gian đánh giá cho phù hợp đối với 2 dự thảo luật này”, đại biểu đề xuất.
Ngoài ra, hiện nay Đoàn giám sát đang đánh giá việc thực hiện các chính sách pháp luật đối với các đơn vị sự nghiệp, trong đó có hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Từ các lý do trên, đại biểu đề nghị cần có thêm thời gian đánh giá sự ổn định cũng như đánh giá tác động thực tế của các chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách bảo hiểm xã hội cũng như các dự án luật liên quan và luật chỉ nên ban hành khi đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng hưởng. “Khi một đạo luật tốt sẽ tạo ra sự an tâm cho người dân, người lao động và dẫn đến tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng cường kinh tế, an toàn tuyệt đối và tăng trưởng của các quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ”, đại biểu phân tích./.