Hưng Yên: Lan tỏa những tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
(ĐCSVN)- Vừa qua, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhân dịp này, tỉnh đã tặng Bằng khen, Ghi danh 64 tập thể và 66 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05, làm lan tỏa những tấm gương điển hình tới các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức tuyên truyền để ngày càng có nhiều tấm gương làm theo Bác, nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ và đồng chí Nguyễn Văn Phóng , Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng các tập thể, cá nhân được biểu dương khen thưởng |
Phát huy những kết quả từ những năm đầu thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong 4 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tập thể, cá nhân đã có nhiều việc làm thiết thực. Nổi bật như Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa trong phong trào thi đua “Phụ nữ Hưng Yên thực hành tiết kiệm, làm theo lời Bác, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ ở 100% chi hội tham gia tiết kiệm được trên 97 tỷ đồng, giúp cho hàng trăm nghìn lượt phụ nữ nghèo vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi để phát triển kinh tế. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hội LHPN tỉnh đã phát động các cấp Hội xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương”, đến nay Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập được 225 “Hũ gạo tình thương”, 21 “Địa chỉ nhân ái”, 95 mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”;... Từ các mô hình trên đã quyên góp được hàng chục tấn gạo, hàng trăm triệu đồng giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương. Bên cạnh đó, hội viên, phụ nữ còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, phong trào tương thân tương ái. Trong 3 năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã xã hội hóa, vận động các nhà hảo tâm, dòng họ ủng hộ hỗ trợ sửa chữa, xây mới 48 “Mái ấm tình thương” cho hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hơn 790 triệu đồng và 128 ngày công lao động. Ngoài ra, các cấp Hội cũng trích quỹ, tranh thủ sự hỗ trợ của các cá nhân, đơn vị để thăm hỏi, tặng hàng nghìn suất quà cho gia đình chính sách, phụ nữ, trẻ em nghèo, gia đình chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển, đảo, biên giới... Hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội LHPN đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo; bảo vệ môi trường; xây dựng gia đình hạnh phúc. Cán bộ Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã “miệng nói, tay làm” và luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện để hội viên phụ nữ làm theo. Nhiều cán bộ Hội cơ sở đã đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, tham gia các mô hình kinh tế tập thể như: Hợp tác xã, Tổ hợp tác... Cán bộ Hội gương mẫu thực hiện trước, hội viên hưởng ứng theo sau đã tạo thành phong trào lan tỏa, rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Cùng với đó, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội phát động và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh Hưng Yên. Các cấp Hội tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực, trong đó có việc triển khai xây dựng mô hình “đường hoa phụ nữ” để nâng cao chất lượng các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã trồng được trên 1.000 đường hoa với chiều dài trên 320 km, nổi bật như Phụ nữ huyện Văn Lâm, Khoái Châu có nhiều đường hoa đẹp. Với việc thực hiện mô hình đường hoa của các cấp Hội phụ nữ đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong tham gia bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan nông thôn, khu phố, được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, cán bộ hội viên phụ nữ đồng tình hưởng ứng, đóng góp hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Duy Hưng và đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản trao Ghi danh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng các tập thể, cá nhân được biểu dương khen thưởng |
Đảng bộ quân sự tỉnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" đã thực sự có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng xây dựng Đảng bộ, LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Mọi cán bộ, chiến sĩ có lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức lối sống trong sáng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm kỷ luật, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; kết quả huấn luyện 100% đạt yêu cầu, có 87,3% khá, giỏi; đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ trì các cấp đã phát huy tốt tinh thần tiền phong gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cả về lời nói và hành động để cán bộ, chiến sĩ học tập, làm theo, không có cán bộ, đảng viên, chiễn sĩ vi phạm kỷ luật, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt. LLVT tỉnh còn là lực lượng nòng cốt tham gia các phong trào tại địa phương như: phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", từ năm 2016 đến nay, LLVT tỉnh đã tham gia xây dựng, tu sửa 37 điểm trường mầm non và nhà văn hóa thôn tại các địa phương còn khó khăn, tham gia ủng hộ 1 tỷ 100 triệu đồng và xã hội hóa được 1 tỷ 512 triệu đồng; chăm lo thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, tham gia khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 2.600 đối tượng gia đình chính sách và người có công, trị giá gần 220 triệu đồng. Với kết quả đó, năm 2019, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.
Phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ, Hội CCB tỉnh với phương châm: Học tập và làm theo Bác phải gắn với những việc làm cụ thể, thiết thực. Các cấp Hội đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền, nhân dân, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia phong trào thi đua dân vận khéo, phong trào thi đua “3 xây, 2 có” toàn khóa, nâng cao hiệu quả những mô hình tự quản do cựu chiến binh, cựu quân nhân đảm nhận. Hưởng ứng cuộc vận động “Cựu chiến binh chung sức xây dựng nông thôn mới”, CCB các cấp đã có nhiều việc làm thiết thực, nội bật như Hội CCB huyện Văn Lâm, đồng chí Đinh Quang Mạnh, chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: “ Phong trào CCB “hiến kế, hiến công vì quê hương đất nước” lan rộng khắp cả huyện, ở xã nào cũng có những CCB gương mẫu hiến đất, tiền, xi măng, ngày công… để góp phần xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu ở xã Đình Dù có gia đình CCB Nguyễn Văn Xuân ở thôn Ngải Dương, gia đình ông đã xây tặng xã một ngôi trường tiểu học 2 tầng khang trang, gồm 8 phòng học có đầy đủ bàn, ghế, trang thiết bị dạy học trị giá hơn 6 tỷ đồng, ngôi trường được xây trên địa bàn thôn Ngải Dương và khánh thành năm 2018; CCB ở xã Lương Tài có đồng chí Vương Xuân Huấn ủng hộ 20 tấn xi măng, đồng chí Nguyễn Văn Điền ủng hộ 90 triệu để làm đường bê tông… thời gian qua CCB, cựu quân nhân toàn huyện đã ủng hộ hơn 12 tỷ đồng, hiến gần 3000 m2 đất và đóng góp hơn 8.600 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới”
Thực hiện lời Bác dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, công đoàn tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi, làm việc tích cực, tạo động lực cho mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tiếp tục phát huy sáng kiến, có nhiều giải pháp đưa vào ứng dụng góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ, tạo sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp và kinh tế của địa phương, của tỉnh. Trong 5 năm, đã có 21.030 lượt đề tài sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, đoàn viên, người lao động được các cấp công nhận làm lợi trên 118 tỉ đồng, trong đó có 18 đồng chí được Tổng LĐLĐVN tặng Bằng Lao động sáng tạo, 1 đồng chí được trao giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, 1 đồng chí được trao giải thưởng Nguyễn Văn Linh, 1.346 lượt tập thể và cá nhân được Tổng LĐLĐVN, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh khen thưởng…Đặc biệt, phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo" của CNLĐ ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai sôi nổi và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều cá nhân có đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đưa vào sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao như đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn, Quản đốc phân xưởng Cắt - Uốn Nhà máy Ống thép thuộc tập đoàn Hoà Phát, huyện Văn Lâm có sáng kiến "Cải tiến máy đóng bó đai ống tôn mạ kẽm" và "Cải tiến giá con lăn tỳ cuộn cụm nhả liệu MU11" làm lợi cho công ty gần 2,9 tỷ đồng/năm và đồng chí đã vinh dự lần thứ 2 được Tổng LĐLĐVN tặng Bằng Lao động sáng tạo…Nhân tháng công nhân năm 2020, Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên đã tổ chức các đoàn đi thăm trên 200 doanh nghiệp và tặng 6.000 suất quà, trị giá trên 3 tỷ đồng cho công nhân lao động có thành tích xuât sắc tiêu biểu trong lao động sản xuất và công nhân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là công nhân bị ảnh hưởng cuả dịch Covid – 19. Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên đã tổ chức bàn giao 3 ngôi nhà mái ấm công đoàn cho các đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh những tập thể điển hình, có nhiều cá nhân thực sự là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Điển hình là cụ bà Nguyễn Thị Báu, 88 tuổi ở thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19, cụ đã ủng hộ 10 triệu đồng. Số tiền này do cụ tiết kiệm trong nhiều năm nay và tiền con cháu biếu. Sự có mặt của cụ tại hội nghị, khiến nhiều đại biểu rất ngưỡng mộ: Thật là một tấm gương sáng để nhiều người noi theo. Tinh thần đoàn kết vì cộng đồng được phát huy và lan tỏa ở nhiều địa phương khác như: Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sạn (97 tuổi) - xã Lạc Đạo ủng hộ 3 triệu đồng; cụ Quản Thị Sành (94 tuổi) - thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang ủng hộ 5 triệu đồng; cụ Đinh Thị Cúc (91 tuổi) - thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh ủng hộ 10 triệu đồng; cụ Lê Thị Tỉnh (80 tuổi) - thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm ủng hộ trên 5 triệu đồng…
Thấm nhuần lời dạy của Bác về tình thương yêu con người, trong 11 năm qua, anh Nguyễn Văn Khánh, sinh năm 1976, ở xã Long Hưng huyện Văn Giang đã có 46 lần hiến máu. Anh là người được Ban tổ chức hội nghị chọn lên để giao lưu, chia sẻ việc làm đầy ý nghĩa nhân văn của mình. Anh vui vẻ nói: “ Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy có rất nhiều người bệnh phải sống nhờ nguồn máu của người khác, nhất là những cháu nhỏ gặp bệnh tan máu bẩm sinh rất cần máu để chữa bệnh mà nguồn máu ở các bệnh viện luôn thiếu. Vì vậy hiến máu cứu người không thể thờ ơ; với ý nghĩa: Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Từ đó đã thôi thúc tôi, cứ đến lịch hiến của mình là đi hiến máu. Qua các lần hiến máu tôi thấy sức khỏe bình thường, ăn ngủ tốt, tinh thần thoải mái vui vẻ hơn vì máu trong cơ thể mình luôn được thay mới. Không chỉ hiến máu, năm 2018 tôi đã đăng ký hiến tạng bởi hiện nay nhiều người vẫn quan niệm khi chết phải còn nguyên vẹn, trong khi đó rất nhiều người đang chờ để được ghép tạng. Qua hội nghị này, tôi mong ngày càng có nhiều người đi hiến máu và đăng ký hiến tạng”.
Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ ở cán bộ, đảng viên mà còn lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đó là những tấm gương rất đời thường và cách họ làm theo Bác cũng rất bình dị. Điển hình là bà Đặng Thị Hoài ở thôn Hoan Ái, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, 16 năm qua, bà đã bỏ công sức để quét dọn, làm đẹp đường làng, nhà văn hóa thôn. Tại hội nghị bà khiêm tốn cho biết: “Công việc của gia đình cũng rất nhiều, để quét dọn được đường làng, ngõ xóm, tôi phải sắp xếp các công việc hợp lý việc nào cần làm trước, việc nào để làm sau. Hàng ngày, tôi thức dậy từ khoảng 4 giờ sáng để làm các việc và còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục góp sức nhỏ bé của mình để làng quê luôn sạch, đẹp”. Không chỉ làm đẹp quê hương, bà Hoài còn đi từng nhà trong xã để xin quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để ủng hộ người nghèo, trẻ em vùng cao.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Chỉ thị số 05, Kế hoạch số 30-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 05, gắn với tuyên truyền kết quả thực hiện các nghị quyết của Đảng và của Tỉnh ủy; nâng cao chất lượng việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở; đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp cần thực hiện có hiệu quả việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng phát hiện, tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả hơn việc ghi Sổ ghi danh những tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết để việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 ngày càng đi vào chiều sâu, nền nếp, thực chất và hiệu quả”.