Hưng Yên: Hỗ trợ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo
(ĐCSVN) - Cùng với người thuộc hộ nghèo, từ năm 2016 người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là một trong những giải pháp góp phần thực hiện lộ trình BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, từ ngày 1.1.2010, 100% người thuộc hộ nghèo của Bắc Ninh được nhà nước cấp kinh phí mua thẻ BHYT hỗ trợ. Đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ BHYT, đến năm 2012 nâng mức hỗ trợ lên 70%. Tuy nhiên, người thuộc hộ cận nghèo vẫn không mặn mà tham gia BHYT. Năm 2013, tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT chỉ chiếm gần 40%.
Năm 2014, tỉnh Hưng Yên là một trong 13 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng”. Hỗ trợ mở rộng bao phủ BHYT là 1 trong 3 hợp phần thuộc dự án. Mục đích của dự án là nhằm góp phần giúp người thuộc hộ cận nghèo tiếp cận được các chính sách BHYT trong chăm sóc sức khỏe khi bị ốm đau, bệnh tật và hạn chế những trường hợp chỉ đến khi mắc bệnh mới tìm mua thẻ BHYT. Theo quy định, người thuộc hộ cận nghèo khi tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ 20% mệnh giá thẻ BHYT từ nguồn kinh phí của dự án. Cũng với mục đích giúp người cận nghèo được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, ngày 31.12.2015, UBND tỉnh quyết định cấp thêm kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo thêm 5% và bắt đầu áp dụng từ 1.1.2016 đến hết năm 2019.
Nếu như năm 2014, chỉ có 7.432 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT (chiếm trên 40% số người thuộc hộ cận nghèo) được dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng” hỗ trợ thì từ năm 2016 đến nay, dự án đã hỗ trợ cho 100% số người thuộc hộ cận nghèo (trừ những trường hợp đã được cấp thẻ theo diện khác). Cụ thể, năm 2016, dự án hỗ trợ đóng cho 34.581 người, năm 2017 hỗ trợ đóng cho trên 36 nghìn người. Hàng năm, ngay sau khi danh sách người thuộc hộ cận nghèo chuyển đến, cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với phòng lao động – thương binh và xã hội các huyện, thành phố rà soát, đối chiếu thông tin cá nhân rõ ràng, chính xác để in thẻ BHYT kịp thời chuyển về các đối tượng theo đúng kịp thời.
Cùng với hỗ trợ thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, ngành y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội thực hiện tốt các chính sách liên quan như khám, chữa bệnh, thanh toán khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định. Năm 2016, Quỹ BHYT đã chi thanh toán khám, chữa bệnh cho gần 43 nghìn lượt người thuộc hộ cận nghèo với số tiền trên 37 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, Quỹ BHYT đã chi số tiền trên 21 tỷ đồng thanh toán cho gần 23 nghìn lượt người. Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo phải nằm viện điều trị dài ngày với chi phí lớn như trường hợp chị Đặng Thị Trà, ở xã Vĩnh Khúc (Văn Giang) được quỹ thanh toán số tiền trên 400 triệu đồng; cháu Lò Xuân Thành ở xã Đình Cao (Phù Cừ) đã được Quỹ BHYT thanh toán số tiền trên 730 triệu đồng; chị Đào Thị Thuyên ở xã Vĩnh Khúc (Văn Giang) được thanh toán số tiền trên 600 triệu đồng; bà Đỗ Thị Thành ở xã Bình Minh (Khoái Châu) được thanh toán gần 330 triệu đồng…
Theo nhiều người dân, việc người cận nghèo được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT có ý nghĩa rất quan trọng, giúp họ bớt khó khăn khi không may mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài. Ông Nguyễn Thọ Kích (thị trấn Lương Bằng, Kim Động) cho biết: "Gia đình tôi là hộ cận nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ thẻ BHYT cho nên mỗi khi tôi ốm đau phải đi viện đã đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình. Như đợt vừa qua, tôi bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông phải nằm điều trị gần một tháng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Chi phí điều trị lên tới hàng chục triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT, không biết gia đình tôi sẽ phải xoay sở thế nào để có tiền chạy chữa cho tôi…".
Không chỉ riêng ông Kích, mà với rất nhiều người bệnh, nhất là người bệnh nghèo khi phải đi khám, chữa bệnh, nằm bệnh viện trong thời gian dài ngày mới thấy hết được giá trị của thẻ BHYT cũng như chính sách BHYT đầy tính nhân văn và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Nhất là từ tháng 10 tới đây, khi mà giá của gần 2 nghìn dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng sẽ áp dụng cho cả người khám, chữa bệnh chưa có BHYT thì vai trò của thẻ BHYT lại càng trở nên quan trọng và cần thiết với người dân hơn bao giờ hết. Việc người nghèo, người cận nghèo được hỗ trợ BHYT đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp họ giảm bớt gánh nặng về tài chính khi bị ốm đau, bệnh nặng, tiến tới nâng cao chất lượng cuộc sống./.