Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hưng Yên: Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ

Thứ Ba, 12/09/2023 15:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến các cơ sở y tế thăm khám do đau mắt đỏ gia tăng, không ít ca bệnh bị biến chứng do chủ quan hoặc tự điều trị không đúng cách.

Bệnh nhân đau mắt đỏ khám tại Bệnh viện Mắt Hưng Yên. (Ảnh: Dương Miền) 

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Hưng Yên, trong tháng 8/2023, bệnh viện tiếp nhận gần 1.300 bệnh nhân đến khám và điều trị vì đau mắt đỏ và các biến chứng do bệnh gây ra. Bệnh nhân gồm nhiều lứa tuổi, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm trên 20%. Số ca biến chứng nặng phải nhập viện điều trị là 120 người (chiếm gần 10%). Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê được tại bệnh viện, còn trên thực tế, số người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể cao hơn rất nhiều khi tự chữa hoặc đến điều trị tại một số phòng khám tư nhân. Phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện có các triệu chứng là đỏ mắt, đổ ghèn, chảy nước mắt... Nhiều người bị biến chứng do không điều trị đúng cách khiến quá trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn.

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra, nhưng phổ biến nhất là do một loại vi rút có tên Adenovirus. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện như: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt, có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác có thể gặp là hơi sợ ánh sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Tác nhân gây bệnh có thể gây viêm giác mạc (thường gặp sau khởi phát vài ngày, đây là dạng lâm sàng được ghi nhận hay gặp trong năm nay), ở thời điểm này mắt có thể đã đỡ sưng hoặc hết đỏ nhưng người bệnh có thế có các biểu hiện như: Nhìn mờ, chói, sợ ánh sáng. Ngoài các biểu hiện tại mắt, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ. Bệnh thường biểu hiện ở một mắt nhưng có thể xảy ra ở cả hai mắt.

Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Bệnh thường khởi phát 3 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt… Đau mắt đỏ thường không quá nghiêm trọng, khi vệ sinh, chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh diễn biến 5 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị, để bệnh kéo dài, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, hoặc viêm giác mạc chấm gây giảm thị lực.

(Ảnh: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) 

Bác sĩ Phạm Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Khám bệnh cấp cứu - Cận lâm sàng, Bệnh viện Mắt Hưng Yên khuyến cáo: Bệnh đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, cộm rát, giảm tỷ lệ biến chứng... Để tránh các biến chứng do bệnh gây ra, người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt, không tự ý mua thuốc về tra, nhỏ, nhất là các thuốc chứa corticoid. Không dùng thuốc của người khác để tra, nhỏ cho mình; không tự đắp lá hoặc những bài thuốc dân gian vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm. Cùng với đó, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn…

Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, để chủ động phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo: Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Bên cạnh đó, vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần được nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở khám mắt để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời./.

M.K

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN