Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hợp tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành điện

Thứ Năm, 20/10/2022 17:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) sẽ thực hiện tư vấn, đánh giá kiến trúc và xây dựng các giải pháp chuyển đổi số, khai thác dữ liệu lớn, xây dựng hệ thống An toàn thông tin và nâng cao kỹ năng số cho Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC).

Ngày 20/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) ký kết hợp tác chiến lược với Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions). Sự kiện một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số toàn diện của ngành điện miền Nam.

Cụ thể, Viettel sẽ thực hiện tư vấn, đánh giá kiến trúc và xây dựng các giải pháp chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Kinh doanh và dịch vụ khách hàng; hạ tầng số và ứng dụng công nghệ trong vận hành khai thác hệ thống; trong công tác khai thác dữ liệu lớn; xây dựng hệ thống An toàn thông tin và nâng cao kỹ năng số cho EVN SPC.

 Sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng, một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số toàn diện của ngành điện miền Nam. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phước Đức, Tổng Giám đốc EVNSPC cho biết: EVNSPC cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và trở thành Doanh nghiệp số vào năm 2025, theo hướng các hoạt động của EVNSPC được số hóa, các hoạt động chưa tự động thành tự động và ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chất lượng dịch vụ; năng suất lao động; năng lực quản trị.

Hiện nay, EVNSPC đã hoàn thành trên 97% khối lượng thực hiện trên 05 lĩnh vực. Đặc biệt, kết nối với các hệ thống quốc gia: EVNSPC đã hoàn thành kết nối kỹ thuật tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số CCCD/CMND với CSDL Quốc gia về dân cư thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành thiết lập hạ tầng CNTT để kết nối tới hệ thống CSDL Quốc gia về dân cư; kết nối với Tổng cục thuế và trên 28 ngân hàng, tổ chức thanh toán để triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt giúp khách hàng thuận tiện trong các hoạt động kết nối với ngành điện và tham gia quá trình thúc đẩy phát triển xã hội số theo Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, kết nối liên thông trục hệ thống văn bản điện tử nội bộ với trục liên thông văn bản UB QLVNN và sẵn sàng hạ tầng để kết nối với UBND các tỉnh thành phố phía Nam theo kế hoạch.

Theo ông Đức, trong các lĩnh vực quản trị điều hành: Tổng công ty (TCT) đã triển khai áp dụng hệ thống Văn phòng số Digital_Office đến toàn bộ 374 đơn vị trực thuộc trong toàn TCT, số lượng văn bản điện tử ký số toàn TCT trong 09 tháng năm 2022 đạt tỷ lệ 94,8% trên tổng số văn bản, 100% CBCNV có chức trách đã được TCT, các đơn vị cấp chữ ký số để thực thi công tác hàng ngày, 100% hồ sơ được lập và lưu trữ trên môi trường điện tử.

Trong lĩnh vực Kỹ thuật: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS với dữ liệu đã được số hoá trên 1,7 triệu hồ sơ thiết bị lưới, trạm. Áp dụng sửa chữa bảo dưỡng khai thác hiệu quả thiết bị bằng ứng dụng phương pháp RCM/CBM, ứng dụng AI trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh quản lý vận hành lưới điện 100kV…

Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng: Hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia để cung cấp các dịch vụ điện cấp độ 4 cho khách hàng; 21 Công ty Điện lực thành viên đã kết nối với Trung tâm hành chính công theo các phương thức “một cửa liên thông” đáp ứng nhanh chóng nhu cầu sử dụng điện của người dân. Các ứng dụng CSKH thông minh qua App CSKH, Zalo… đạt tỉ lệ tăng trưởng 13%-16% người dùng hàng quý. CSDL trong công tác kiểm định, theo dõi chất lượng thiết bị đo đếm được hoàn thiện với dữ liệu trên 5 triệu công tơ điện tử…

Đặc biệt, EVN SPC sẽ bám sát tiến độ xây dựng Đô thị thông minh, chính quyền điện tử của các địa phương 21 tỉnh, thành phố phía Nam để chủ động kết nối liên thông 1 cửa đến hệ thống dịch vụ công của các UNBD địa phương nhằm đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp điện đối với khách hàng, đồng thời hoàn thành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính của ngành điện.

 Ông Nguyễn Phước Đức, Tổng Giám đốc EVNSPC phát biểu tại buổi lễ.

Ông Đức thông tin thêm, với định hướng và cách tiếp cận theo lộ trình được Chính phủ, EVN đề ra, EVN SPC mong muốn dần dần đưa các ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí trong công tác sản xuất kinh doanh và cải cách hành chính đồng bộ ở các cấp nhằm thực hiện lộ trình đưa ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ điện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Cũng tại buổi lễ, ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions cho biết: “Việc ký kết hợp tác với EVN SPC giai đoạn 2022-2027 trong 5 lĩnh vực quan trọng nhằm phối hợp và hỗ trợ Tổng Công ty Điện lực miền Nam trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025”.

Được biết trong thời gian qua, Viettel và EVN SPC đã triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và dịch vụ khách hàng (Data Mining Platform, Recloser.One, Ami.One, Bulk SMS…). Tiếp theo những gì làm được, các giải pháp chuyển đổi số được Viettel nghiên cứu, tư vấn và “may đo” theo nhu cầu thực tế và đặc thù của EVN SPC. Tận dụng những lợi thế sẵn có của từng đơn vị, trong thời gian tới Viettel sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất như: giải pháp triển khai các mô hình hạ tầng dữ liệu và điện toán đám mây với cơ chế bảo mật, an toàn phù hợp giúp EVN SPC triển khai nhanh các hệ thống, giải pháp và tối ưu chi phí, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm chuyển đổi từ hạ tầng dữ liệu vật lý truyền thống sang nền tảng điện toán đám mây phù hợp với EVN SPC./.

Tin, ảnh: M. Phúc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN