Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hơn 600 bản án, quyết định của Tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ

Thứ Hai, 09/12/2019 16:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thông tin trên được Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình) đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo án lệ và dự thảo báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam, sáng 9/12, tại Hà Nội.

Hội thảo do Toà án nhân dân tối cao phối hợp với Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức.

Chủ trì Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nêu rõ: Cùng với việc đổi mới quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, ngày 22/8/2019 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua 03 án lệ theo thủ tục rút gọn đối với các án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng tổng số án lệ được công bố lên 29 án lệ.

Mặc dù số lượng án lệ được công bố chưa nhiều nhưng các án lệ được công bố đã nhận được sự đón nhận tích cực từ phía dư luận xã hội, giới luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là các Thẩm phán trực tiếp làm công tác xét xử. Đến nay, đã có hơn 600 bản án, quyết định của Tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ.

“Có thể nói án lệ đã thực sự đi vào thực tiễn đời sống pháp lý của đất nước, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án”, Chánh án  nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao 

phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TH.

Tiếp tục triển khai công tác phát triển án lệ năm 2019, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đã rà soát, phát hiện được 17 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất lựa chọn làm nguồn phát triển thành án lệ.

Phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, chia sẻ: Hệ thống án lệ của Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và còn nhiều phương diện cần cải thiện. Hoạt động nâng cao năng lực cho thẩm phán và cán bộ toà án cần được ưu tiên trong những năm tiếp theo. Thẩm phán và cán bộ toà án cần hiểu một cách thấu đáo quá trình lựa chọn án lệ và vai trò của họ trong việc đề xuất và áp dụng án lệ.

Bên cạnh đó, chúng ta cần thúc đẩy sự tham gia của người dân trong quá trình đề xuất các quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xem xét, phát triển thành án lệ; đồng thời, tạo điều kiện tốt hơn cho thẩm phán, luật sư, chuyên gia pháp lý và các bên liên quan khác tham gia vào quá trình cải thiện hệ thống án lệ.  

Trình bày tóm tắt về Báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam, TS. Nguyễn Sơn - Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu giới thiệu 3 tiêu chí để lựa chọn án lệ. Cụ thể, án lệ được lựa chọn phải có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; Phải có tính chuẩn mực và phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Đồng thời, chia sẻ những khuyến nghị về giải pháp tăng cường hoạt động đề xuất án lệ, viện dẫn án lệ; đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án để phát triển thành án lệ.

Án lệ  là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 29 án lệ với 03 án lệ mới về về thụ lý giải quyết vụ án hành chính liên quan đến nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí, sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo chủ nghĩa xã hội trước ngày 01/7/1991.

 

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN