Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi bình đẳng cho phụ nữ Afghanistan
(ĐCSVN) – Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 27/12, đã nhắc lại lời kêu gọi sự tham gia đầy đủ của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội Afghanistan, đồng thời bày tỏ lo ngại về lệnh cấm của lực lượng Taliban đối với việc tiếp cận của phụ nữ trong học tập và việc làm.
Trung tâm Trao quyền cho Phụ nữ của Liên hợp quốc tại Kabul, Afghanistan. (Ảnh: UN) |
Các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an cho biết họ rất "hoảng hốt" bởi thông tin Taliban đình chỉ không cho phụ nữ và trẻ em gái đến các trường đại học, sau khi họ vốn đã bị cấm ở các trường trung học. Hội đồng yêu cầu Taliban nhanh chóng thay đổi các chính sách và thực tế này bởi điều đó cho thấy "sự xói mòn ngày càng tăng đối với việc tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản". Hội đồng cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế tại Afghanistan vốn sẽ có tác động đáng kể và ngay lập tức đến các hoạt động nhân đạo ở nước này như việc cung cấp viện trợ và chăm sóc y tế. Hội đồng Bảo an cho biết những hạn chế này trái với các cam kết của Taliban với người dân Afghanistan cũng như trái với mong đợi của cộng đồng quốc tế.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 20/12, cũng đã bày tỏ quan ngại trước thông tin cho rằng Taliban cấm phụ nữ và trẻ em gái vào các trường đại học, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách trên thực tế của Afghanistan đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng ở tất cả các cấp cho phụ nữ và trẻ em gái.
Vi phạm thô bạo quyền của phụ nữ và các nguyên tắc nhân đạo
Trong một tuyên bố riêng, bà Sima Bahous, Phó Tổng thư ký và Giám đốc điều hành của UN Women, lên án mạnh mẽ việc cấm phụ nữ Afghanistan vào các trường đại học, điều mà bà mô tả là một sự vi phạm thô bạo đối với các quyền của phụ nữ và các nguyên tắc nhân đạo của chính phủ Afghanistan. Theo bà Sima Bahous, bằng cách ngăn cản phụ nữ đóng góp cho nỗ lực của các tổ chức nhân đạo, Taliban đã đình chỉ viện trợ cho một nửa dân số Afghanistan, trong khi nếu không có viện trợ thì họ sẽ không thể tồn tại. Phó Tổng thư ký và Giám đốc điều hành của UN Women nhắc lại rằng 11,6 triệu phụ nữ và trẻ em gái hiện không được hỗ trợ.
Bà Sima Bahous nhấn mạnh, nhiều tổ chức phi chính phủ tại Afghanistan và quốc tế không thể hoạt động nếu thiếu nhân viên nữ. Do đó, tất cả các dịch vụ dành cho phụ nữ đều bị ảnh hưởng, bao gồm khả năng tiếp cận nước, vệ sinh, bảo vệ, sức khỏe, thực phẩm, nơi ở và sinh kế.
Ngoài ra, theo bà, tình trạng này càng làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái vốn đã có nguy cơ, khi các dịch vụ dành cho những người sống sót sau bạo lực hoặc nhằm ngăn chặn bóc lột và lạm dụng tình dục bị đóng cửa và hàng nghìn trẻ em và gia đình phụ thuộc vào thu nhập mang lại bởi những người phụ nữ làm công tác cứu trợ nhân đạo nay còn cơ cực hơn.
Bà Sima Bahous cho biết không thể có "thảm họa nào khi đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn là loại bỏ sự đóng góp của một nửa dân số để giải quyết những thách thức, khó khăn mà Afghanistan phải đối mặt". Với tinh thần đoàn kết hoàn toàn với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, UN Women một lần nữa lên án hoàn toàn đối với việc tiếp tục loại bỏ và áp bức phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan khỏi cuộc sống cộng đồng./.