Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội chứng “bắt cóc” và cách hành xử của người dân!

Thứ Ba, 25/07/2017 19:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chỉ cần bất kỳ ai tri hô lên rằng có kẻ bắt cóc trẻ em, ngay lập tức đám đông bất chấp phải trái, đúng sai mà tới tấp lao vào hành hung kẻ bị cho là đi “bắt cóc”, mặc kệ nạn nhân kêu khóc, thanh minh rằng mình không phải như vậy.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ người dân bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn và phá hoại tài sản... mà lý do của nó chỉ vì những tin đồn vô căn cứ rằng đó là kẻ đi “bắt cóc” trẻ em. Sự việc này khiến những người bị oan thiệt hại sức khỏe và tài sản, mà nghiêm trọng hơn nữa nó còn tạo thành một “hội chứng” làm cho xã hội bất an.

Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 22/7, tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn – TP Hà Nội. Theo thông tin ban đầu, bà Lê Thị Bảy (40 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội), thành viên Hợp tác xã tình thương Mỹ Đức, đến khu vực xã Mai Đình để bán tăm, trong khi đang hỏi chuyện một cháu bé thì bị một số người địa phương cho rằng dụ dỗ trẻ em để bắt cóc. Một người hô lên và rất nhiều người nghe thế là lao ra vây đánh hai phụ nữ. Theo hình ảnh từ clip quay lại sự việc được đưa lên mạng xã hội, mặc dù lực lượng công an địa phương đã có mặt để can thiệp và đưa hai người phụ nữ này lên xe về trụ sở nhưng đám đông vẫn không chịu buông tha. Hai người bị đánh chỉ biết la hét, ôm đầu chịu đòn giữa đám đông và sau đó đã phải nhập viện cấp cứu. Ngay sau khi sự việc diễn ra, Công an huyện Sóc Sơn đã tiến hành lấy lời khai của những người có liên quan, qua đó xác định chị Bảy và chị Phúc không có hành vi bắt cóc trẻ em.

Hai phụ nữ bị đánh đập dã man chỉ vì bị cho rằng là kẻ bắt cóc trẻ em. (Ảnh cắt từ clip)

Có thể thấy, thời gian qua liên tục những clip, thông tin đăng tải trên mạng xã hội đính kèm theo đó là những cảnh báo, dẫn chứng (mặc dù thiếu căn cứ) về các vụ việc liên quan tới hành vi của một số đối tượng đi bắt cóc trẻ em để bán ra nước ngoài hoặc lấy nội tạng đang làm không ít người dân phải lo lắng. Cũng chính từ những thông tin đó, trong suy nghĩ của nhiều người hình thành một tâm lý bất an, đề phòng và thậm chí là căm phẫn với những đối tượng được xem là “kẻ xấu”. Đáng nói, tâm lý này có thể nhắm vào bất kỳ ai, hoặc bất cứ đối tượng nào được gắn thêm hai từ “bắt cóc”, mà không cần thông tin đó có chính xác hay không hoặc đã được xác minh hay chưa?!

Trước đó, tương tự sự việc trên, khoảng trưa ngày 23/4, trước số nhà 281 Trần Phú (phường Ba Đình, TP.Thanh Hóa), một người đàn ông lạ mặt với quần áo lấm lem, tay cầm bao tải đứng gần đám trẻ con đang chơi. Thấy vậy, nhiều người cho rằng người đàn ông này có ý định bắt cóc trẻ em nên hô hoán nhau đuổi bắt, đánh đập và trói vào gốc cây bên đường rồi báo công an phường tới giải quyết. Tại đây, Công an phường Ba Đình đã làm rõ người đàn ông này là Phạm Trọng Mười (42 tuổi, ngụ thôn Trúc Chuẩn 3, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), bị tâm thần nhiều năm nay, hoàn cảnh rất đáng thương... và không hề có chuyện bắt cóc trẻ em như đồn đoán.

Một điều đáng chú ý, hầu hết những vụ “bắt cóc” sau khi được cơ quan chức năng địa phương làm rõ thì chỉ là tin đồn vô căn cứ, nhưng khi được minh oan, các nạn nhân nhẹ thì bầm tím mặt mày, nặng thì phải nhập viện cấp cứu… Một số chuyên gia về tâm lý cho rằng những thông tin bắt cóc trẻ em gần đây lan truyền trên mạng, được bàn tán trong dư luận rất nhiều. Chưa bàn đến chuyện đúng sai, nhưng những thông tin này đã gây ra phản ứng tiêu cực, từ đó dẫn tới tâm lý lo sợ, thù ghét và đề phòng đối với những người lạ mặt xuất hiện tại địa phương. Qua đó, bất kỳ thông tin nào được đưa ra tại thời điểm liên quan tới tâm lý trên của người dân cũng là điều rất nguy hiểm, bởi những thông tin chưa được kiểm chứng này thường dễ dàng dẫn dắt người dân tới những hành động quá khích và gây ra hậu quả đáng tiếc.

Về sự việc hai người phụ nữ bị hành hung vì nghi ngờ là bắt cóc trẻ em diễn ra tại Sóc Sơn, Hà Nội, theo luật sư Nguyễn Hồng Thái – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì trong khi câu chuyện chưa rõ ràng, mà những người dân tại xã Mai Đình đã bày tỏ sự phẫn nộ, trút những lời chỉ trích, thậm chí hành hung hai người phụ nữ trên một cách dã man như vậy có thể coi đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Thái dẫn chứng: Theo điều 104 của Bộ luật Hình sự thì hành vi đánh đập, chửi mắng hai người phụ nữ trên có thể ghép vào hành vi cố ý gây thương tích. Ngoài ra, việc tụ tập đám đông ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản trong các hàng quán. có thể chịu trách nhiệm về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng theo điều 245 của Bộ luật Hình sự.

Có thể thấy, nguyên nhân dẫn tới những sự việc đáng tiếc kể trên xuất phát từ những tin đồn trên mạng xã hội và được truyền miệng từ người này sang người khác đã khiến nhiều người mất đi sự tỉnh táo. Qua đó hình thành tâm lý thù ghét, đề phòng đối với những người lạ mặt, hoặc những người không cư trú tại địa phương. Khi niềm tin giữa con người với con người ngày càng ít đi; sự nghi kị, đề phòng, hung hãn đến mức man rợ đang ngày càng nảy nở quả là điều đáng sợ.

Mặc dù, sau những chuyện đã xảy ra, chắc chắn những người hành hung, những người tung tin đồn gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là việc cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra xử lý nghiêm minh để tình trạng này không tái diễn, tránh gây ra sự hoang mang trong xã hội và không để xảy ra những sự việc tương tự như thời gian qua./.

Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN