Học online, thử thách lớn cho cả giáo viên
(ĐCSVN) - Năm học mới bắt đầu bằng những tiết học giảng dạy trực tuyến. Thế nhưng để phát huy hiệu quả của lớp học trực tuyến “Thời COVID”, ngoài đảm bảo về thiết bị dạy và học, đường truyền internet, kỹ năng công nghệ thông tin… thì chúng ta phải nhìn nhận rằng không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng cần chuẩn bị tâm thế tốt.
Mỗi lần tham gia lớp học online là một lần nỗ lực của cả thầy và trò. |
Ngày 17/9, một đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội với tình huống giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online, sau khi sinh viên nhờ thầy giảng lại vì mưa to không nghe rõ.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã xác nhận sự việc trên xảy ra trong một lớp học trực tuyến khoa Điện-điện tử của trường. Theo đó, mục đích ban đầu của giảng viên là nhắc nhở sinh viên học tập trung hơn nhưng do không kiềm chế được cảm xúc nên đã có lớn tiếng với sinh viên. Tuy nhiên, giảng viên sau đó đã cho sinh viên vào lớp tiếp tục học.
Sau sự việc, giảng viên đã xin lỗi về việc dùng ngôn từ chưa phù hợp với sinh viên và hứa sẽ sử dụng phương pháp mềm dẻo hơn trong việc giảng dạy môn học. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có nhiều chia sẻ cùng giảng viên và hứa tập trung hơn trong giờ học.
Một vụ việc khác, vừa qua trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện đoạn ghi âm lời lẽ của cô giáo Y. (dạy văn cấp 3 ở Quảng Trị) đã có những lời lẽ xúc phạm học sinh trong giờ học online. Theo tường trình của cô Y. thì trong khi cô đang giảng bài em G. có lời lẽ tục tĩu, hỗn láo với cô khiến cô bức xúc. Do không giữ được bình tĩnh nên cô giáo phát ngôn thiếu chuẩn mực như clip đã phát tán trên mạng.
Cô Y. cho biết mình có kinh nghiệm 26 năm trong nghề nhưng lần này cô đã "giận quá mất khôn" và thừa nhận dù là lỗi của học sinh đi nữa thì cách xử lý của cô như thực tế diễn ra là chưa phù hợp...
Mới đây, cộng đồng mạng tiếp tục xôn xao với một vụ việc giáo viên quát tháo sinh viên xảy ra trong lớp học trực tuyến tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM.
Theo đó, một đoạn clip quay lại giờ học được cho là thuộc bộ môn Cơ điện tử, Khoa Cơ khí được chia sẻ trên Youtube. Đoạn clip khiến nhiều người giật mình bởi tình huống căng thẳng giữa giảng viên và sinh viên. Qua nội dung cuộc nói chuyện cho thấy có vẻ như sinh viên đã không hiểu bài giảng, dẫn đến thầy giáo mất bình tĩnh, to tiếng. Cụ thể, giảng viên liên tục quát: "Như là cái óc trâu vậy, nói hoài rồi cũng không làm, tôi giải cho thằng này, thằng kia không nghe rồi cũng y chang. Một việc đơn giản nhất, các cái số đánh nó phải nằm trong hình chữ nhật, kêu hoài tại sao không làm? Tại sao không làm? Tại sao?". Xen lẫn giọng giảng viên, là giọng sinh viên thỏ thẻ: "Dạ để em chỉnh lại ạ".
Đoạn clip này ngay sau khi xuất hiện trên MXH đã khiến nhiều người bị "sốc", bày tỏ sự không đồng tình với những lời nói cùng cách cư xử của giảng viên, cho rằng những lời lẽ đó không phù hợp với môi trường sư phạm. Cạnh đó, cũng một số ý kiến cho rằng có thể giảng viên đang bị áp lực chuyện gì đó nên ảnh hưởng tới tâm lý khi giảng dạy...
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM xác nhận sự việc và cho biết: "Đúng là có chuyện giảng viên của trường nổi nóng và có những lời lẽ chưa phù hợp với sinh viên trong lớp học trực tuyến. Ngay sau khi biết thông tin, tôi đã gọi điện thoại trực tiếp cho giảng viên để trao đổi và đề nghị giảng viên xin lỗi. Giảng viên cũng đã nhận mình sai và xin lỗi trước toàn thể lớp học này". PGS-TS Trần Thiên Phúc cũng cho biết, sự việc xảy ra như vậy, một phần trách nhiệm thuộc về trường. Do đó, sau khi nắm bắt được vụ việc, ban giám hiệu lập tức có một bức thư ngỏ nhằm chia sẻ về những khó khăn mà thầy cô đang gặp phải, đồng thời đề nghị thầy cô giữ cách ứng xử đúng mực với sinh viên.
Nhiều tình huống bi hài khi dạy online . Ảnh TL |
Cô Nguyễn Hương – Giáo viên trưởng THPT Nguyễn Trãi cho rằng: "Là một giáo viên, tôi nghĩ ai cũng mong muốn mang lại cho học trò những tiết học chất lượng, đảm bảo các yêu cầu và mục tiêu của môn học. Nhưng một số vấn đề khác phát sinh trong dạy học online như lỗi mạng, học sinh lúng túng trong việc tương tác với giáo viên, cách sử dụng các phần mềm… cũng khiến giáo viên gặp không ít áp lực. Tuy nhiên, đã chọn nghề sư phạm thì bản thân buộc phải rèn luyện nhân cách. Giáo viên là người dạy cho học trò bằng nhân cách của mình, làm gương về hành vi ứng xử của mình, không vì áp lực mà xúc phạm học sinh, ngược lại, cần tích cực giúp học sinh nhận thức về hành vi sai trái của mình, qua đó biết tôn trọng thầy cô và học hành chăm ngoan hơn.
Nói về vấn đề học oline, thầy Hiệu phó Trần Vũ Quang , trường THPT FPT cho rằng: Ở trường tư giáo viên được hỗ trợ vì trường có ngân sách, hạ tầng công nghệ. Còn đa số giáo viên trường công chưa sẵn sàng để dạy học online, thiết bị cũng chưa được trang bị đầy đủ. Ngoài ra, các giáo viên chưa được tập huấn để hiểu tâm lý học sinh và thiết lập mối quan hệ của các em khi chuyển đổi phương pháp học tập. Nên lung túng trong giảng bài là điều đương nhiên.
Có thể nói, trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, không gian sư phạm trở nên hết sức đặc biệt. Mỗi lần tham gia lớp học online là một lần nỗ lực của cả thầy và trò. Nhưng dù lớp học được triển khai bằng hình thức nào thì tính mô phạm vẫn phải được đảm bảo. Bởi, người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người, nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho người học. Cạnh đó người dạy cần tôn trọng người học và không nên chỉ trích hay phê bình trước tập thể. Giảng viên cũng cần quan tâm hơn đến sinh viên thông qua lời hỏi thăm, sự đồng cảm, khích lệ…
Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc động viên, cổ vũ, hình thành những tư tưởng, hành vi tốt đẹp cho người học cố gắng trong thời gian đầy khó khăn này. Cạnh đó, cả thầy và trò nên cố gắng tập trung và tìm cách hạn chế tối đa các nhân tố gây nhiễu trong quá trình học online. Thay vì yêu cầu thầy dạy giảng đi giảng lại thì trò nên ghi chú lại chỗ chưa hiểu để khi thuận tiện nhờ thầy giảng giải giúp. Bởi một giảng viên phải dạy rất nhiều sinh viên nên không thể một lúc đáp ứng tất cả yêu cầu của các bạn. Đây cũng là lúc các nhà quản lý, người dạy và người học cần nhìn nhận lại vấn đề một cách đa diện, đi đến sự thống nhất để có thể dạy tốt, học tốt trong điều kiện hiện tại./.