Học Bác từ những việc làm giản dị
(ĐCSVN) – Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bà Lý Thị Vân, chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được nhiều người trong vùng biết đến là người khởi xướng mô hình “Hũ gạo tình thương” và thu gom phế liệu giúp đỡ phụ nữ khó khăn.
Bà Lý Thị Vân (ngoài cùng bên trái) trong một buổi giao lưu các gương điển hình học tập
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)
Năm nay gần 60 tuổi, cái tuổi người khác nghỉ ngơi vui vầy với con cháu thì bà Lý Thị Vân lại vẫn luôn bận rộn với những việc làm của Chi hội Phụ nữ. Dù chẳng ai thúc ép, nhưng nghĩ được và làm được khiến việc cứ quấn lấy bà như thể “con mọn” hằng ngày bởi bà là người khởi xướng và lãnh đạo thực hiện các mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Chi hội.
Xã Bình Đông, huyện Bình Sơn có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động nên hàng quán mở ra nhiều, tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra đường, mất vệ sinh môi trường đã đến lúc báo động. Là cán bộ Hội, bà Vân luôn trăn trở làm sao để góp phần làm sạch môi trường và việc này, có lẽ chỉ có phụ nữ đứng ra làm là hợp lý hơn cả. Bởi công việc quét dọn là việc làm rất quen thuộc hàng ngày của chị em phụ nữ, tuy nhiên chỉ có điều không có người phát động, chị em chưa ý thức cao.
Để thuyết phục chị em cũng như sự đồng tình của xã hội, bà Vân đã tiên phong đi trước. Trên giỏ xe của bà hầu như lúc nào cũng có cái bao, đi đâu hễ nhìn thấy vỏ lon, vỏ chai, phế thải… bà đều lượm cho vào bao. Góp gió thành bão, số phế liệu bà thu được đã bán được thành tiền để giúp những hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của bà Vân đã làm thay đổi nhận thức của chị em, nhiều người đã làm theo. Chị em tiểu thương trong chợ hay trong các hộ gia đình đều đã có ý thức thu gom phế liệu. Mỗi khi gia đình có đám tiệc, nhiều chị lượm vỏ lon rồi mang đến góp. Ngay cả những bà cụ mỗi khi gom góp được 5-10 vỏ lon, vỏ chai là kêu chị Vân đến lấy. Đến nay, mô hình thu gom phế liệu đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ có phụ nữ tham gia mà cả cánh mày râu cũng nhiệt tình hưởng ứng.
Việc đã thành nếp, mỗi tháng 1 lần, chị em trong tổ lại vận động nhau phát dọn cây cối hai bên đường, thu góm rác thải, phế liệu. Sau khi thu gom, chị em lại phân loại. Những phế liệu có giá trị thu mua được giữ lại để bán lấy tiền gây quỹ hội.
Trong 4 năm qua, Chi hội phụ nữ đã thu được 24.650.500 đồng từ tiền phế liệu, làm được 21 quyển sổ tiết kiệm, tặng cho 14 cháu nhỏ mồ côi, con nhà nghèo học giỏi, 4 cụ già neo đơn, 3 hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn mỗi sổ trị giá 500.000 đồng, tặng cho 9 bà bị mắc bệnh hiểm nghèo mỗi bà 500.000 đồng, trong số đó chi hội nhận đỡ đầu cho 4 bà với mức hỗ trợ là 2.400.000 đồng/năm.
Cũng từ ý thức học tập Bác Hồ từ những điều giản dị nhất, bà Vân đã vận động chị em trong Chi hội san sẻ tình thương bằng cách lập “Hũ gạo tình thương”, mỗi bữa cho một ít gạo vào hũ để giúp người nghèo khó, neo đơn. Kết quả từ mô hình này cũng khá bất ngờ, sau 4 năm thực hiện, Chi hội đã góp được 4.165 kg gạo để giúp cho 86 lượt chị em phụ nữ nghèo, 72 lượt người già neo đơn không nơi nương tựa, 38 cháu khuyết tật và 10 cháu nhỏ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
Là Chi hội trưởng, bà không ngại đi đến từng gia đình để trò chuyện, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tự nguyện vọng của chị em. Vì vậy, hộ giàu, hộ nghèo, hộ gia đình có điều kiện bà đều nắm rõ. Năm 2011, được biết trong Chi hội có 19 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, bà đã trăn trở mình cần phải làm gì để giúp chị em thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Từ suy nghĩ đó, bà mạnh dạn đề xuất ý kiến lên cấp ủy Chi bộ và Ban thường vụ Hội cho phép Chi hội vận động chị em đóng tiết kiệm hàng tháng để giúp những chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Mỗi tháng một hội viên tiết kiệm 2.000 đồng, toàn Chi hội có 599 hội viên sẽ huy động được hơn 1 triệu đồng/tháng. Cứ sau 3 tháng, Chi hội chỉ đạo cho các tổ bình xét những chị có hoàn cảnh khó khăn hơn thì cho mượn trước. Sau 4 năm, 16/19 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo.
Là vùng đất ven biển, thói quen sinh con nhiều vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều hộ gia đình, với trách nhiệm là cán bộ Hội, bà Vân đã tích cực làm công tác tuyên truyền vận động chị em thực hiện sinh đẻ có kế hoạch nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã được khống chế dưới mức 10%. 100% các bà mẹ mang thai được tư vấn, không còn trẻ em bỏ học giữa chừng, 100% gia đình chị em phụ nữ có nhà cửa ngăn nắp gọn gàng, 100% hộ gia đình chị em có nhà tắm nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng. Tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là việc xả rác thải sinh hoạt đã đi vào nề nếp, chị em phụ nữ đã ý thức tốt hơn về trách nhiệm của từng cá nhân gia đình trong việc bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, bà cũng tích cực vận động chị em tham gia tích cực các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Tỉnh hội mở. Sau 3 tháng đào tạo, hiện toàn chi hội có 35 chị mua được máy may công nghiệp nhận hàng về may tại nhà có thu nhập ổn định từ 4.500.000đ – 6.000.000đ/tháng.
Với những việc làm ý nghĩa và thiết thực của bà Vân, nhiều năm liền, bà được các cấp tặng bằng khen, giấy khen, vì đã có nhiều đóng góp cho công tác Hội. Năm 2015, bà là một trong những điển hình tiên tiến của hội phụ nữ được tôn vinh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX./.