Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỳ III: Đưa Phú Thọ “trở nên tỉnh tiên tiến”

Thứ Hai, 13/11/2023 10:27 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Xây dựng Phú Thọ “trở nên tỉnh tiên tiến” là cụm từ đã gắn liền với địa phương này trong hành trình xây dựng và phát triển suốt 76 năm qua, kể từ lần đầu tiên được Bác Hồ về thăm. Phát huy sức mạnh tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh thống nhất về ý chí, quyết liệt trong hành động, đưa Phú Thọ phát triển toàn diện để thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Bác.

Không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực của Đảng

Một số hình ảnh về tỉnh Phú Thọ hôm nay (Ảnh: Khánh Trang) 

Trong quá trình phát triển, Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ luôn quán triệt sâu sắc quan điểm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng. Tỉnh luôn kiên định, kiên quyết và dành nhiều công sức, trí tuệ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Coi đây là vấn đề có tính quyết định tới sự thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn.

Hàng loạt các chủ trương, chỉ đạo của Đảng như: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và các quy định về trách nhiệm nêu gương đã được Phú Thọ triển khai, thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo cụ thể hóa nhiều văn bản, quy định của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh về công tác cán bộ, nhằm thực hiện tốt công tác cán bộ trong toàn tỉnh, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền theo Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, kỷ luật Đảng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực, tinh thần trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tỉnh đã chủ động, tập trung tăng cường đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Tính từ năm 2006 đến nay, cấp ủy, chi bộ, Ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật thuộc thẩm quyền đối với 43 tổ chức đảng và 4.235 đảng viên. Qua đó, góp phần quan trọng chỉnh đốn Đảng, phòng ngừa những tiêu cực, vi phạm làm suy yếu nội bộ, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, tăng cường phát hiện các nhân tố tích cực, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh.

Nhiều nội dung mới, khó, phức tạp được tỉnh chỉ đạo kiên quyết thực hiện bằng cách làm linh hoạt, bám sát tình hình thực tế, điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn để xây dựng phương án thiết thực, hiệu quả với tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, không nóng vội chủ quan, điển hình như: Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và khu dân cư; công tác phòng, chống dịch COVID-19; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Đặc biệt, đã tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm; làm tốt việc tổ chức tiếp xúc, thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân ở cả 3 cấp; lắng nghe, giải đáp kịp thời những kiến nghị của người dân. Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, người đứng đầu cấp ủy đã tổ chức 2.145 cuộc tiếp dân; tiếp nhận 8.792 đơn của người dân (tỷ lệ giải quyết theo thẩm quyền đạt trên 85%); tổ chức 1.020 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân hằng năm,  đối thoại với 93.639 người dân; giải quyết ý kiến ngay tại hội nghị 7.732/9.441 ý kiến (tỷ lệ đạt 82%)…

Tại buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ vào tháng 7/2023, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh của tỉnh Phú Thọ. Trong đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp được triển khai thực hiện xuyên suốt trong toàn Đảng bộ.

Viết tiếp hành trình khát vọng

Phú Thọ là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ nối liền vùng Tây Bắc của Tổ quốc với Thủ đô Hà Nội và vùng châu thổ sông Hồng. Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phú Thọ được xác định là tỉnh trọng điểm của vùng, đồng thời cũng nằm trong vùng quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 31/10/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 89-NQ/TU ngày 31/3/2023 về định hướng Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều Nghị quyết, văn bản chỉ đạo quan trọng khác. Việc ban hành các nghị quyết nhằm định hướng, tạo các cơ chế, hành lang pháp lý để khai thác tối đa tiềm năng, phát huy cao nhất lợi thế để nền kinh tế của tỉnh và từng địa phương phát triển mạnh mẽ theo những định hướng đã hoạch định.

 Với sự sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, Phú Thọ đã trở thành “bến đỗ” của nhiều nhà đầu tư (Ảnh: Khánh Trang)

Bằng những bước đi đúng đắn, có tính chiến lược, sự vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, tranh thủ huy động tốt các nguồn lực, Phú Thọ đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước “đột phá” trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay, hệ thống hạ tầng kinh tế phát triển đồng bộ. Kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị được đầu tư nhanh. Đặc biệt, nổi bật là hệ thống giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ, hình thành mạng lưới đường bộ kết nối các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu của tỉnh với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đi các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái.., đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics.

Cùng với việc không ngừng gia tăng lợi thế để thu hút đầu tư, trong đó quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp…, tỉnh Phú Thọ cũng đã vận dụng tối đa các quy định của Trung ương, ưu thế phát triển của địa phương, rà soát, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác đối thoại, kiểm tra, nắm tình hình, giải quyết kịp thời những kiến nghị vướng mắc của doanh nghiệp; rà soát, đánh giá, kiên quyết thu hồi dự án trọng điểm chậm tiến độ nhiều năm; quyết liệt triển khai chuyển đổi số… Trong những năm gần đây, các hoạt động đầu tư vào tỉnh đã diễn ra rất sôi động khi nhiều dự án lớn có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được triển khai, nhiều nhà đầu tư đã chọn Phú Thọ là vùng đất để “cập bến”. Chỉ tính trong 3 năm (từ năm 2020 đến nay), Phú Thọ thu hút 478 dự án đầu tư tư nhân (DDI) với tổng vốn đăng ký đạt 56,9 nghìn tỷ đồng; 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 2.126 triệu USD (đầu tư mới và bổ sung).

Từ những năm 2010 đến nay, có rất nhiều con số, chỉ số đã thay đổi dần theo hướng tích cực qua từng năm. Trước đây, Phú Thọ là một tỉnh nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, năng lực nội tại hạn chế, hiện tại kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Đến nay, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng trên 1,3 lần, vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng (tăng 24,8 nghìn tỷ đồng so với năm 2020). Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, giai đoạn 2021 - 2023 xuất khẩu đạt 12,1 tỷ USD, gấp 2,6 lần so năm 2020; vượt 3,9 tỷ USD so với mục tiêu đến 2025, nằm trong nhóm 10 địa phương trong cả nước có giá trị xuất khẩu cao.

Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển hài hòa, đồng bộ giữa kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, có kế hoạch huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình nổi bật; tập trung bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu di tích đặc biệt quốc gia góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.

So sánh với 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Phú Thọ có quy mô GRDP đứng thứ 3/14; xuất khẩu đứng thứ 3/14; thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 3/14; thu ngân sách Nhà nước (thu nội địa) đứng thứ 4/14; GRDP bình quân đầu người thứ 5/14; tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ thứ 4/14; chỉ số PCI thứ 4/14; tỷ lệ lao động qua đào tạo thứ 3/14; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thứ 4/14; tuổi thọ trung bình thứ 2/14; tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo đa chiều) thứ 3/14… 

Đây là những con số ấn tượng phản ánh bức tranh tổng thể nền kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ đã có sự khởi sắc. Kết quả ngày hôm nay là sự kết tinh của sức sáng tạo, quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thành quả đó cũng đã chứng minh Phú Thọ đã luôn vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Bác Hồ vào công cuộc kiến thiết và phát triển toàn diện của tỉnh.

Chia sẻ với chúng tôi về những kết quả tỉnh Phú Thọ đạt được trong việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển, đồng chí Đoàn Văn Báu - Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Là cơ quan trực tiếp theo dõi quá trình triển khai việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy các địa phương, trong đó có tỉnh Phú Thọ đã có rất nhiều sáng tạo, đổi mới trong quá trình triển khai thực hiện. Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch rõ ràng, xác định được các nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo thực hiện. Thực tế chứng minh, những năm gần đây, vị thế, uy tín của tỉnh Phú Thọ trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung ngày càng được nâng cao. Thời gian tới, cùng với những định hướng, chiến lược phát triển phù hợp và khát vọng vươn lên của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tin tưởng Phú Thọ sẽ đạt được mục tiêu phấn đấu là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc./.

Hương Giang - Khánh Trang - Ngọc Kiên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN