Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu lực và hiệu quả cao

Thứ Hai, 11/09/2017 09:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Qua ba năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, hệ thống Tòa án nhân dân đã nâng cao chất lượng công tác xét xử một cách rõ rệt và đề ra các giải pháp để tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương
( Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Nâng cao chất lượng công tác xét xử

Trên cơ sở kết quả tổng kết việc thi hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị, ngày 12/3/2014 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 92- KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Trong ba năm qua, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn có xu hướng gia tăng; thẩm quyền của các Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các loại vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng hơn nhiều các năm trước, tính chất các vụ việc thì ngày càng phức tạp. Đây cũng là thời điểm nhiều văn bản luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của các Tòa án được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương về cải cách tư pháp cũng như tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng từ ngày 01/10/2014 đến 31/7/2017, các Tòa án đã giải quyết được 1.072.451 vụ án các loại trong tổng số 1.336.861 vụ án đã thụ lý. Nếu so với cùng kỳ của 3 năm trước (2012-2014), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng hơn 205.767 vụ; đã giải quyết tăng 188.081 vụ.

Hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật; số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án đã giảm mạnh qua từng năm, tính đến 31/7/2017 chỉ còn 195 vụ. Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng, nên chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được đảm bảo, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội, trong 03 năm qua chỉ có 02 trường hợp, giảm hơn nhiều so với các năm trước. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cũng như cả nước. Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cũng có nhiều chuyển biến, đặc biệt các Tòa án đã quan tâm làm tốt công hòa giải, nên tỷ lệ các vụ án được giải quyết bằng hòa giải thành mỗi năm đều đạt khoảng 50% số vụ án phải giải quyết.

Nhiều giải pháp được tiến hành đồng bộ

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đề ra, hệ thống Tòa án nhân dân đã đề ra nhiều giải pháp và tiếp tục triển khai thực hiện trong cả nước.

Trước hết là tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng mà thời gian qua lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tập trung chỉ đạo thực hiện với nhiều đổi mới, tập trung vào việc xây dựng các Nghị quyết, thông tư hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, giải đáp vướng mắc nghiệp vụ.

Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là giải pháp được đặt ra với yêu cầu Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; tôn trọng quyền con người; Hội đồng xét xử phải thực hiện hết thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật. Các phòng xử án được thiết kế phù hợp, đại diện Viện Kiểm sát ngồi ngang Luật sư; vành móng ngựa sẽ được thay bằng bục khai báo trong các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm án hình sự, kể từ 1/1/2018.

Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND là giải pháp mang tính đột phá và được dư luận đánh giá cao. Từ ngày 18/7/2017 khai trương  Trang thông tin điện tử Công bố bản án, quyết định của Tòa án vào hoạt động đến nay, đã có gần 3.000 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án được đăng tải, tổng lượng truy cập gần 500.000 lượt và đã có 185 ý kiến bình luận, góp ý đối với 302 bản án, quyết định. Hoạt động này sẽ tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất và đôn đốc thực hiện một cách hiệu quả trong toàn hệ thống.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, TANDTC đặt ra ba nhiệm vụ trọng tâm: thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán để lựa chọn những người thực sự có đức, có tài để bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án các cấp; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Thẩm phán; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đề cao kỷ cương, kỷ luật, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực thi công vụ và xử lý trách nhiệm đối với các Thẩm phán có hành vi vi phạm.

Để Tòa án thực sự là chỗ dựa của người dân trong bảo vệ công lý thì việc nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án là một yêu cầu rất quan trọng, một việc làm thường xuyên của Tòa án các cấp, Chánh án TANDTC đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC và Tòa án Quân sự  các cấp quán triệt các giải pháp đã đề ra tới toàn thể cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và tổ chức thực hiện nghiêm túc tại địa phương, đơn vị mình. Với những giải pháp khoa học và cụ thể như vậy, cùng với quyết tâm cao trong cả hệ thống, chắc chắn chất lượng xét xử của Tòa án sẽ được nâng lên, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

 

Thái Vũ – Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN