Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoạt động tín dụng chính sách gắn với doanh nghiệp, doanh nhân

Thứ Năm, 13/10/2016 14:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 13/10 hàng năm được gọi là Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp trong cả nước. Giai đoạn hiện nay đang được coi là của thế hệ doanh nhân mới, những người không chỉ được trang bị kiến thức đầy đủ mà còn kế thừa sự quyết đoán, nhạy bén, cùng với sự năng động, đã và đang từng bước phát triển.

Gắn với các hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cũng là một trong những kênh huy động vốn khá hiệu quả. Trải qua 14 năm hoạt động với hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, tính đến tháng 9/ 2016, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 157,5 nghìn tỷ đồng,  với tổng dư nợ  đạt 150,7 nghìn tỷ đồng. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,87% tổng dư nợ.

Hỗ trợ các hoạt động DNNVV (Ảnh: PV)

Hiện, NHCSXH được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước trong đó có các chương trình tín dụng về doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN); Thương nhân vùng khó khăn theo Quyết định 92 và cho vay Giải quyết việc làm, nhằm giải quyết những khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tại các địa phương khó tiếp cận được với vốn vay của các ngân hàng thương mại do lãi suất cao, hay các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm cải thiện, hình thành hệ thống phân phối hàng hoá, như các chợ đầu mối, chợ, cửa hàng bách hoá, cửa hiệu tạp hoá, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng khó khăn, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện.

Có thể thấy, dù  trải qua nhiều khó khăn và thách thức nhưng hoạt động tín dụng chính sách đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trên con đường xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

Gần 2.900 Doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn từ nguồn vốn ngân hàng Tái thiết Đức

Năm 2005, NHCSXH được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho vay lại từ nguồn vay vốn của Cộng hoà Liên bang Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) để cho vay DNVVN. Dự án thực hiện theo Hợp đồng cho vay lại được ký giữa Bộ Tài chính và NHCSXH với tổng số tiền là 10.000.000 EUR. Mục tiêu của Dự án là thiết lập một Quỹ cho vay quay vòng để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 21 tỉnh, thành phố, gồm: Sở giao dịch, tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, TP Đà Nẵng, Gia Lai, Khánh Hoà, Đồng Nai, TP Bình Dương, Cần Thơ, Long An, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Hơn 11 năm thực hiện (2005 - 2016) NHCSXH đã giải ngân được trên 909 tỷ đồng, cho vay gần 2.900 DNVVN, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập.

Hơn 33.000 thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn được vay vốn NHCSXH

Thời gian qua, chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do NHCSXH thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Chương trình cho vay thương nhân vùng khó khăn được thực hiện theo Quyết định 92/2009/QĐ-TTg và mới đây là Quyết định 307/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức cho vay đối với chương trình. Theo Quyết định số 307, từ ngày 15/3/2016, thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế được nâng hạn mức vay tối đa từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng. Việc nâng hạn mức vay đã giúp cho các thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn có thêm nguồn vốn để đầu tư kinh doanh, khơi dậy tiềm năng về phát triển kinh tế của vùng, góp phần ổn định kinh tế, xã hội tại địa phương.

Sau hơn 6 năm thực hiện (2009 - 2016), doanh số cho vay của chương trình đạt hơn 1.050 tỷ đồng với hơn 33 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Thương nhân ở vùng sâu, vùng xa có vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa tiêu dùng, tiêu thụ nông sản cho bà con, thúc đẩy phát triển thương mại.

Vậy là, trong những năm qua, chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn đã làm tốt vai trò là động lực, cầu nối hỗ trợ vốn phát triển thương mại cho các xã miền núi khó khăn, tạo bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều thay đổi, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, giải quyết lượng lớn lao động tại địa phương, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Những mô hình điểm từ vốn giải quyết việc làm (GQVL) của NHCSXH

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong những năm qua, hàng triệu lao động đã có việc làm, hàng trăm nghìn hộ gia đình đã phát triển kinh tế hiệu quả và hàng nghìn mô hình SXKD đã thành “những điểm sáng” từ những đồng vốn trong chương trình cho vay GQVL của NHCSXH, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương.

9 tháng năm 2016, doanh số cho vay của chương trình GQVL đạt trên 2.700 tỷ đồng, doanh số thu nợ trên 2.000 tỷ đồng,với hơn 300 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Cơ chế quản lý, cho vay nguồn vốn  theo chương trình quốc gia về GQVL có nhiều đổi mới đã tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm. Nhìn chung, các dự án vay vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn, diện vay vốn rộng, vốn được quay nhiều vòng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần GQVL cho nhiều người lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất.

Những chính sách về cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ hay cho vay Giải quyết việc làm của NHCSXH thời gian vừa qua đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có vốn để sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

HA.NV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN