Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoàng Mai: Cần sớm làm rõ nguyên nhân nhiều ngôi nhà xung quanh hồ Định Công bị lún, nứt

Thứ Tư, 10/01/2018 22:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) -Trần nhà, tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, lún nghiêm trọng; tâm lý người dân hoang mang lo lắng, đó là thực trạng được ghi nhận tại nhiều ngôi nhà khu vực xung quanh hồ Định Công thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Điều đáng nói là tuy đã được người dân phản ánh đến nhiều cấp và các cơ quan có liên quan nhưng đến nay, sau nhiều năm sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…


Cần xác định rõ nguyên nhân tình trạng lún, nứt nhà dân tại khu vực hồ Định Công (Hà Nội). Video: QĐ-QC

 Nhiều hộ dân kêu cứu

Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hoàng Văn Tài, sĩ quan quân đội nghỉ hưu tại số nhà 15, ngõ 99, ngách 99/115 Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đại diện cho nhiều hộ gia đình ở xung quanh hồ Định Công cho biết: Từ sau khi hạng mục cải tạo hồ Định Công (đầm Cửa Đình) tiến hành thi công thì công trình nhà ở của gia đình ông Tài và nhiều hộ dân khác trong khu vực đã xuất hiện tình trạng lún, nứt gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Các vết nứt xuất hiện ngang trần, tường ở phòng khách càng ngày càng nhiều và lan rộng. Khoảng sân vườn nối liền giữa ngôi nhà và tuyến đường vòng quanh hồ Định Công cũng xuất hiện các hiện tượng sụt lún. 


Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), hồ Định Công (đầm Cửa Đình) là 1 hạng mục trong gói thầu số 7 thuộc Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản được thành phố Hà Nội quyết định tại Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 28/9/2006 về việc phê duyệt dự án đầu tư công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội-Hạng mục II (2005-2010); quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 7854/QĐ-UB ngày 29/11/2005. Hạng mục được khởi động vào tháng 12/2011 với thời gian hoàn thành là 25 tháng. Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 5/2016, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh hồ Định Công đã có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng về hiện tượng rạn nứt, lún nhà ở.

 Ông Hoàng Văn Tài lo lắng về tình trạng lún, nứt của nhà mình

Ghi nhận thực tế của PV, những phản ánh của ông Hoàng Văn Tài cùng một số gia đình ở xung quanh hồ Định Công là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, ngôi nhà của gia đình ông Tài được xây dựng bằng bê tông cốt thép rất kiên cố, cao 3,5 tầng, cách mặt hồ Định Công khoảng 25 mét nhưng vẫn bị nứt nẻ nghiêm trọng. Tại tầng 1 xuất hiện rất nhiều vết nứt ngang trần, tường ở phòng khách. Tại các phòng ở tầng 2 và tầng 3 của ngôi nhà cũng xuất hiện hàng chục vết nứt ngang trần. Khoảng sân vườn nối liền giữa ngôi nhà và tuyến đường vòng quanh hồ Định Công cũng xuất hiện các hiện tượng sụt lún. Tại Biên bàn hiện trường được lập ngày 05/5/2016 với sự có mặt đại diện các bên có liên quan cũng xác nhận các vết nứt ngang trần ở cả 3 tầng của ông Tài. Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Tài lo lắng: “Các vết nứt càng ngày càng nhiều và lan rộng rất có thể đã ảnh hưởng đến kết cầu của công trình và gây nguy cơ mất an toàn cho cả gia đình tôi. Chúng tôi đã phản ánh đến các cấp nhưng nhiều tháng trôi qua, đến nay họ vẫn chưa có hướng giải quyết về tình trạng nứt, lún nhà của người dân”.

Điều đáng nói là không chỉ riêng nhà ông Tài mà nhiều nhà khác trong khu vực xung quanh hồ Định Công cũng xuất hiện tình trạng nứt, lún tương tự. Bà Phạm Thị Quang ở số nhà 25, ngách 99/115/36 Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Với tổng đầu tư 1,3 tỷ đồng, gia đình tôi đã cố gắng xây dựng được ngôi nhà 3 tầng kiên cố. Nhưng từ khi hồ Định Công được cải tạo thì ngôi nhà của tôi cũng xuất hiện các vết nứt ngang, dọc vừa mất mỹ quan vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”. Tận mắt nhìn những vết nứt ngang dọc, chằng chịt cả ở tường và trên trần nhà chúng tôi mới hiểu được nỗi lo lắng của của chủ nhân các căn hộ bị lún, nứt xung quanh hồ Định Công.

Có thể thấy, hiện tượng trên đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân nhất là khi nguyên nhân của việc lún, nứt chưa được xác đinh rõ ràng.

Lợi dụng hạng mục cải tạo hồ Định Công để khai thác cát trái phép?

Trước hiện tượng xuất hiện ngày càng nhiều những vết lún, nứt tại các ngôi nhà xung quanh hồ Định Công, nhiều người dân cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do những dấu hiệu vi phạm trong quá trình thi công hạng mục cải tạo hồ Định Công.

Trong các tài liệu người dân gửi về tòa soạn có hàng loạt những bức ảnh ghi nhận sự

xuất hiện của các ống hút cát với những hố cát được đào rất sâu phía trong lòng hồ. 

Đi sâu tìm hiểu được biết, năm 2014, khi hạng mục cải tạo hồ Định Công đang được thi công, người dân địa phương đã kiến nghị với UBND phường Định Công về việc đơn vị thi công sử dụng máy hút để hút cát với số lượng lớn chở đi khỏi lòng hồ Định Công, do vậy tạo thành các hố sâu lớn trong lòng hồ, gây ảnh hưởng đến địa tầng của các nhà dân ở cạnh hồ. Sau đó đơn vị thi công đã san lấp đất phế thải, đất bùn xuống lòng hồ. Chính vì vậy, lòng hồ chỗ cao, chỗ thấp. Bên cạnh đó, đơn vị thi công đặt rọ đá ở chân kè hồ rất ẩu, không bảo đẩm chất lượng công trình. Sau đó UBND quận Hoàng Mai đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với việc triển khai hạng mục cải tạo hồ Định Công. Ngày 30/12/2014, Ban Quản lý hạng mục phối hợp với liên doanh tư vấn Nippon Koei-Viwase tiến hành đo đạc để xác định số liệu về chiều sâu của lòng hồ có sự chứng kiến của đoàn kiểm tra. Kết quả đo thể hiện, tại 5 điểm rãnh thu nước tạm phục vụ gom nước lòng hồ theo biện pháp thi công, kết quả đo sâu hơn cao độ lòng hồ theo thiết kế từ 35cm đến 47 cm. Tại 5 vị trí khác, kết quả đo được sâu hơn cao độ lòng hồ theo thiết kế từ 13 cm đến 30 cm. Nguyên nhân của việc đáy hồ có nhiều vị trí trũng sâu được Ban Quản lý hạng mục thoát nước Hà Nội (nay đổi tên là Ban Quản lý Hạng mục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP. Hà Nội) giải thích là do thời điểm đó đang trong quá trình thi công, chưa thực hiện hoàn thiện cao độ lòng hồ. Tuy cơ quan chức năng phủ nhận việc khai thác cát tại lòng hồ Định Công, nhưng trong các tài liệu người dân gửi về tòa soạn có hàng loạt những bức ảnh ghi nhận sự xuất hiện của các ống hút cát với những hố cát được đào rất sâu phía trong lòng hồ. Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi, có hay không việc lợi dụng hạng mục cải tạo hồ Định Công để khai thác cát trái phép?

Sau nhiều năm sự việc vẫn không được giải quyết, bà Đào Thị Phương Thảo lo lắng cho tính mạng của cả gia đình trong ngôi nhà bị lún, nứt nghiêm trọng nên gia đình bà đã tự sửa chữa ngôi nhà. 

Liền kề với nhà ông Tài, sau nhiều năm chờ đợi sự vào cuộc của các cấp chính quyền nhưng không có kết quả nên gia đình bà Đào Thị Phương Thảo ở số nhà 17, ngách 99/115, phố Định Công Hạ, phường Định Công đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để sửa chữa ngôi nhà của mình. Bà Thảo bức xúc: “Chúng tôi đã gửi đơn đi nhiều nơi, chính quyền phường cũng đã đến kiểm tra, lập biên bản hiện trường về việc lún, nứt nhưng đến nay sau nhiều năm sự việc vẫn không được giải quyết. Lo lắng cho tính mạng của cả gia đình trong ngôi nhà bị lún, nứt nghiêm trọng nên gia đình tôi đã tự sửa chữa. Nhưng việc sửa chữa cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi các vết lún, nứt rất có thể đã ảnh hưởng tới kết cấu của ngôi nhà”. Theo các cụ cao niên ở đây, khu vực hồ Định Công trước đây là một bãi bồi rộng như một mỏ cát tự nhiên rất lớn. Do vậy, rất có thể đơn vị thi công đã khai thác cát trong quá trình cải tạo hồ; từ đó làm cho cát trong địa tầng khu vực xung quanh theo mạch nước chảy vào trong hồ gây ra tình trạng nứt, lún của các công trình xây dựng?

Bà Phạm Thị Quang cho rằng một nguyên nhân khiến nhà mình bị lún, nứt là do ảnh hưởng từ việc thi công hạng mục cải tạo hồ Định Công

Liên quan đến tình trạng lún, nứt nhà của nhiều hộ dân, được biết, thời gian qua UBND quận Hoàng Mai và Ban Quản lý Hạng mục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP. Hà Nội vẫn đang phối hợp để trả lời đơn thư của người dân. Trao đổi với PV, ông Vũ Tuấn Đạt - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết: Nội dung này, quận đã nhận được đơn thư của người dân từ tháng 12/2014. Do kết cấu địa chất khu vực phức tạp nên quá trình thi công, đơn vị thi công đã phải điều chỉnh phương án thi công nhưng không tuyên truyền cho người dân địa phương biết nên một số người cho rằng họ hút cát mang đi bán. “Tất nhiên, việc thi công sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến các hộ dân xung quanh. Nhưng mức độ ảnh hưởng cụ thể ra sao thì cần phải có cơ quan chuyên môn kiểm tra, kết luận”, ông Vũ Tuấn Đạt chia sẻ thêm.

Thiết nghĩ, trước tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng lún, nứt tại các ngôi nhà ở xung quanh hồ Định Công, đề nghị chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm, xác định rõ nguyên nhân để ổn định tâm lý người dân địa phương. Đó cũng là cơ sở để các bên liên quan cùng thống nhất phương án giải quyết, tránh tình trạng đơn thư kéo dài như thời gian vừa qua./.

Tạ Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN