Hoàn thiện thể chế phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô
(ĐCSVN) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội…
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô.
Trong đó, dự thảo luật đã đề xuất các giải pháp đặc thù, nổi trội về phát triển khoa học và công nghệ để thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về Thủ đô :"…Lấy khoa học công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triẻn kinh tế- xã hội Thủ đô; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng KHCN và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, KHCN, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong vùng kinh tế và cả nước. Thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội”.
Đồng thời, khắc phục các bất cập thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Giới thiệu với khách hàng các sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải tại Triển lãm thành tựu 60 năm khoa học và công nghệ Thủ đô. (Ảnh minh hoạ: HNM) |
Về chế độ ưu đãi, dự thảo Luật quy định một số ưu đãi khác với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Thành phố được áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm. Quy định này là mở rộng đối tượng được áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ (Điều 52). Theo Điều 52, việc khoán chi chỉ được áp dụng trong một số trường hợp như nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã xác định được rõ tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng trên cơ sở thẩm định thuyết minh và dự toán kinh phí thì được áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thể khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính rủi ro cao thì thực hiện việc khoán chi đối với từng phần công việc đã xác định rõ tiêu chí.
Một chính sách đặc thù khác, thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học từ việc chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, vùng Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân. Quy định này là khác với quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và hiện đang được áp dụng đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (theo Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022) và thành phố Hồ Chí Minh (theo Nghị quyết số 98/2023/QH15).
Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được hỗ trợ từ ngân sách của Thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô (chính sách này chưa được pháp luật hiện hành quy định).
Cùng với đó, dự thảo luật cũng quy định chung về định hướng xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô; giao UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu công nghệ cao. Đồng thời, dự thảo Luật quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về vị trí, chức năng và cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; giao UBND thành phố Hà Nội quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội và việc phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, tài nguyên môi trường, lao động../.