Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoàn thiện thể chế để tạo động lực phát triển đất nước

Thứ Hai, 25/12/2023 18:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác hoàn thiện thể chế bởi nếu làm tốt công tác này sẽ là động lực của sự phát triển.

Chiều ngày 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương.

Các lĩnh vực công tác tư pháp đạt kết quả đáng ghi nhận

Trình bày báo cáo công tác tư pháp năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Tiếp nối những kết quả đạt được của những năm đầu nhiệm kỳ, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó, một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.

Đoàn Chủ tịch Hội nghị gồm có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; các Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh, Mai Lương Khôi, Trần Tiến Dũng. Ảnh: TH. 

Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700 VBQPPL cấp xã.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm thực hiện, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của từng năm, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, đạt được nhiều kết quả tích cực; quyết liệt thực hiện các giải pháp để hạn chế việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tăng cường, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều mô hình hay, hiệu quả.

Về công tác Thi hành án dân sự (THADS), kết quả THADS năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.

Bên cạnh đó, các công tác: hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; quản lý nhà nước về con nuôi; đăng ký biện pháp bảo đảm; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hợp tác quốc tế; …. đều đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TH.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá năm 2023, trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, biến động, tuy nhiên đất nước ta đã vượt qua các trở ngại, đạt được kết quả đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành Tư pháp. 
Tuy các công việc của Bộ, ngành Tư pháp khó, nhiều, có yêu cầu cao về tính tức thời, tuy nhiên Bộ, ngành Tư pháp đã cố gắng đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại như: còn nợ một số văn bản quy định chi tiết, chế độ dành cho cán bộ làm công tác tư pháp, pháp luật còn hạn chế…

Nhận định năm 2024 có rất nhiều khó khăn chung và đối với ngành Tư pháp nói riêng, do đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác hoàn thiện thể chế bởi nếu làm tốt công tác này sẽ là động lực của sự phát triển, ngược lại nếu làm không tốt thì sẽ tạo ra rào cản.

 Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao trên thế giới, vị thế của đất nước đang đi lên, do đó đòi hỏi thể chế cần tiếp tục hoàn thiện, điều này tạo áp lực cho ngành Tư pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế. Song, đây không chỉ là công việc của riêng Bộ Tư pháp mà còn là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị nhưng vai trò của Bộ Tư pháp là lớn nhất, chịu trách nhiệm tổng hợp, rà soát văn bản chưa hoàn chỉnh.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp phải cố gắng hơn để tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện, tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế. Trong đó lưu ý xây dựng thể chế phải kịp thời, có chất lượng để hạn chế tình trạng sửa luật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 34/2016/NĐ-CP; sửa đổi, tính toán lại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chụp ảnh cùng các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TH. 

Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm.

Đối với công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ, ngành Tư pháp cần có giải pháp để cán bộ trong ngành yên tâm công tác, giữ được niềm tin với công việc, gắn bó với ngành. Để làm được điều này, trước hết, các đồng chí lãnh đạo phải nêu cao ý thức gương mẫu và tạo được nguồn năng lượng truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ, ngành Tư pháp cũng cần làm tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các địa phương. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, có chế độ phù hợp cho cán bộ làm công tác luật quốc tế bởi đây là lĩnh vực cực kỳ khó và nhạy cảm…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN