Hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn” tham nhũng
(ĐCSVN) - Tại phiên chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập để cán bộ “không thể, không muốn, không dám” tham nhũng.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí, để hoàn thiện thể chế chính sách, đầu tiên là phải tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tiêu cực, tham nhũng và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính hiện nay, bởi vì có công khai, minh bạch thì sẽ kiểm soát được.
Cùng với đó, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, dễ áp dụng để không thể hiểu và làm khác được.
Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ ra gần đây hệ thống pháp luật chúng ta được ban hành rất nhiều và chất lượng cũng được nâng lên, nhưng tồn tại khá phổ biến hiện nay là văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời, nên chính luật đó ban hành rồi nhưng giải thích và hướng dẫn không kịp thời thì nhận thức áp dụng pháp luật của cơ quan chức năng ở đây cũng có hai dạng. Một là người thực hiện quy định pháp luật đó nhận thức, áp dụng cũng khác; thứ hai, cơ quan tư pháp khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhận thức, áp dụng cũng khác. Dẫn chứng sửa đổi Luật Đất đai thì đề xuất phải đấu giá, trong khi đó là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản lại không quy định, không có sự đồng nhất.
Mặt khác, qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế, chức vụ, người đứng đầu ngành kiểm sát cho rằng phải tập trung tổng hợp lại để kiến nghị, bít các lỗ hổng trong quy định pháp luật thực tế đã bị lợi dụng, lạm dụng.
Hình ảnh tại các phiên xét xử một số vụ án về kinh tế, tham nhũng trong thời gian qua. (Ảnh: TL) |
Ông Lê Minh Trí cũng đề nghị phải có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội cũng như yêu cầu bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát.
“Chính sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động kinh tế, quan hệ kinh tế mà thanh toán không qua ngân hàng cũng là bất cập dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, khiến kiểm soát khó khăn và kể cả khi xử lý vụ án cũng khó khăn”, ông Trí nói.
Một giải pháp khác được Viện trưởng Lê Minh Trí đưa ra là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là những khâu, lĩnh vực nhạy cảm, tham nhũng, tiêu cực, không để lợi dụng và cuối cùng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phát hiện, ngăn chặn kịp thời cũng như chuyển hồ sơ những trường hợp có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật để ngăn chặn cũng như xử lý, răn đe.
Còn để phòng ngừa, răn đe tội phạm tham nhũng để “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng, theo Viện trưởng VKSNDTC cần có 3 cách:
Cách thứ nhất là có cơ chế quản lý, có hệ thống pháp luật chặt chẽ để “không thể” tham nhũng. Chúng ta có quy định chế tài trách nhiệm về quản lý nhà nước để đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước tốt để không bị lợi dụng. Đó là để “không thể”.
Thứ hai, hiện nay những đối tượng chủ mưu cầm đầu có ý đồ chiếm đoạt, vụ lợi bị điều tra, xử lý nghiêm. Chính chỗ này răn đe, làm cho những đối tượng có ý đồ không lành mạnh, vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải chờn, “không dám”.
Cuối cùng để “không muốn” tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ ra hiện nay, chế độ chính sách của chúng ta cho cán bộ ở các cấp nói chung, mặc dù thời gian qua có nhiều cố gắng và cũng có chế độ định kỳ tăng lương nhưng dường như với chế độ, chính sách hiện hành hiện nay cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình hết sức khó khăn. Còn lại một tỷ lệ sống được là cũng nhờ vào các nguồn khác của gia đình. Tức là có sự hỗ trợ cho nhau để thực hiện công việc, chứ thực tế chế độ chính sách hiện hữu là hết sức khó khăn và đặc biệt là cấp cơ sở.
Theo Viện trưởng, chúng ta đòi hỏi công việc tốt, nhưng chúng ta cũng phải nghiên cứu để có lộ trình, giải pháp để có được chế độ chính sách đảm bảo được mức tối thiểu cho cán bộ an tâm công tác.
“Tôi nghĩ rằng hiện nay các chế độ của mình cho nguồn ngân sách cũng có hạn, nhưng chúng ta cũng phải luôn luôn quan tâm đến chỗ này để ít nhất cũng giảm bớt khó khăn cho những người tâm huyết, nhiệt huyết mà đang muốn làm, muốn giữ gìn đạo đức trong sáng của mình, rồi giữ gìn đạo đức nghề nghiệp trong công việc của mình”, Viện trưởng chia sẻ.
“Chia lửa” cùng Viện trưởng Lê Minh Trí tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, quá trình điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng, ngoài việc điều tra chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục, góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng như mục tiêu của chúng ta đặt ra.
Điển hình qua các vụ án liên quan đến y tế, giáo dục thì cơ quan điều tra đã có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, công tác đấu thầu, mua sắm các thiết bị, góp phần minh bạch các lĩnh vực này với mục tiêu làm một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, làm sao để đối tượng tham nhũng phải bị xử lý. Qua đó, các đối tượng, công ty, đơn vị đang có phương thức, kiểu làm việc như vậy phải chấm dứt, khắc phục hậu quả ngay, nếu không sẽ bị xử lý.
Về mặt quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng cũng phải rà soát lại tất cả những quy định trong quá trình thực hiện để bộc lộ những sơ hở mà những đối tượng phạm tội có thể lợi dụng để có hành vi phạm tội. Trên một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp thể hiện rất rõ những việc như vậy.
“Những vụ án, vụ việc đó không nhiều, chứng khoán là một vụ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hai vụ nhưng đã để lại cho chúng ta những bài học phải rút kinh nghiệm và phải chấn chỉnh, kể cả những quy định từ thông tư, nghị định, pháp lệnh, thậm chí cho đến luật nếu những quy định còn có chỗ hở, để phòng ngừa tội phạm, ngăn ngừa không cho các đối tượng lợi dụng để tham nhũng”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết. Đồng thời cho hay, trên lĩnh vực đất đai cũng như vậy, đã để lại rất nhiều bài học. Cơ quan điều tra đã có những kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách để phòng ngừa tội phạm./.