Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số theo Nghị quyết 21

Thứ Hai, 08/10/2018 09:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số ở nước ta là một trong những nhiệm vụ chủ yếu được nêu tại Nghị quyết 21-NQ/ TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để hoàn thành mục tiêu về công tác dân số trong tình hình mới.


Nghị quyết 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới với việc chuyển trọng tâm chính sách dân số
từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. 


Rà soát quy định xử lý vi phạm trong công tác dân số

Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Rà soát các quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số; đồng thời đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc. Kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi.

Rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ động chuẩn bị các điều kiện để dân cư được phân bổ tương ứng, phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của từng vùng và trong chiến lược tổng thể xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số

Kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm là một trong những nội dung được nêu rõ trong Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Để kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ), vừa qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có quyết định, phân công 17 công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (TTCN) DS-KHHGĐ.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác dân số trong tình hình mới
 Ảnh: baonghean.vn

Lãnh đạo Tổng cục Dân số - KHHGĐ đề nghị Vụ Pháp chế Thanh tra, bộ phận tham mưu TTCN, các công chức được giao nhiệm vụ TTCN nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác TTCN cũng như công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ khiếu nại, tố cáo; Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng; Xây dựng ngành TTCN DS-KHHGĐ ngày càng vững mạnh…

Trên cơ sở chương trình khung do Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, các học viên đã được các giảng viên của Thanh tra Bộ Y tế, Bộ môn pháp luật về y tế-Trường Đại học y tế công cộng và Tổng cục Dân số-KHHGĐ bồi dưỡng những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của các chuyên đề bao gồm: Luật Thanh tra; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; vị trí, vai trò, tổ chức và hoạt động của thanh tra y tế; quy trình tiến hành một cuộc thanh tra y tế và các văn bản trong thanh tra y tế; thực hiện quyền hoạt động thanh tra, chứng cứ trong thanh tra, trình tự thủ tục, kỹ năng giải quyết vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực DS-KHHGĐ. Riêng lĩnh vực thanh tra chuyên ngành DS-KHHGĐ có 7 chuyên đề gắn liền trực tiếp tới các hoạt động dân số đang được triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Thanh tra chuyên ngành dân số có 3 đặc điểm cơ bản: Một là, hoạt động thanh tra do các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực dân số tiến hành như: Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Chi cục Dân số -KHHGĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hai là, đối tượng thanh tra chuyên ngành dân số là mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành Y tế, Dân số. Ba là, nội dung của thanh tra chuyên ngành dân số là xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, qui tắc quản lý của ngành, lĩnh vực. Khi xem xét, các cơ quan tiến hành có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm./.

Tuệ Minh (TH)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN