Hóa đơn tiền điện "bỗng dưng tăng vọt", vì sao?
(ĐCSVN) – Thời gian gần đây nắng nóng kéo dài, số tiền phải nộp trong hóa đơn thanh toán tiền điện của nhiều hộ gia đình trong cả nước bỗng tăng vọt. Điều này đã khiến nhiều người bức xúc, bởi theo họ, nguyên nhân của tình trạng nói trên là do tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay.
Nhiều người dân thắc mắc khi hóa đơn tiền điện tăng bất thường. (Ảnh minh họa) |
Tiền điện phải nộp tăng gấp nhiều lần
Những ngày qua, nhiều bạn đọc liên tục có ý kiến phản ánh về tính trạng hoá đơn tiền điện kỳ tháng 5 tăng cao gấp 3, thậm chí là 4 lần so với các tháng trước đó. Nhiều người đồng loạt chia sẻ hình ảnh tin nhắn, hóa đơn thông báo thu tiền điện cùng những bình luận thắc mắc về giá điện, số tiền điện phải đóng.
Chị Lê Thanh Hà Vũ ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, tiền điện kỳ tháng 5 của gia đình tăng hơn 2 lần so với tháng trước. Theo chị Vũ, đây là điều không bình thường bởi lẽ tháng trước, dù ở nhà cả ngày để chống dịch COVID-19 thì tiền điện chỉ là gần 900 nghìn đồng. Nhưng tháng 5, cả nhà đi làm, đi học, vậy mà tiền điện lại tăng lên đến 2 triệu đồng. “Tháng 5 đúng là nhiệt độ cao, nắng nóng nên nếu gia đình tôi sử dụng điện cả ngày thì số tiền điện nói trên là hợp lý. Nhưng thực tế, 2 vợ chồng tôi đi làm cả ngày; 2 cháu nhỏ học bán trú đến tối mới về. Điều hòa chỉ dùng từ 18 giờ tối thì thật khó hiểu khi hóa đơn tiền điện lại tăng hơn 2 lần so với tháng trước”, chị Vũ phân tích.
Cùng chung thắc mắc nói trên, bà Trần Thị Thuận ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, cách tính tiền điện hiện đang tồn tại điều bất hợp lý bởi so sánh tháng 4 và tháng 5, trong khi lượng điện tiêu thụ chỉ tăng 4,06 lần thì số tiền gia đình bà phải trả lại tăng lên đến hơn 5,35 lần. Cụ thể, tháng 4, gia đình bà Thuận thanh toán số tiền 915.000 đồng cho lượng điện sử dụng là 395 kWh. Nhưng đến tháng 5 vừa qua, với lượng điện tiêu thụ là 1.605 kWh thì số tiền điện của gia đình bà đã tăng lên đến hơn 4,9 triệu đồng.
Gia đình chị Vũ và bà Thuận chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp có số tiền điện bất ngờ tăng cao trong thời gian vừa qua. Theo nhiều ý kiến, bên cạnh nguyên nhân thời tiết nắng nóng, lượng điện tiêu thụ của các thiết bị như điều hòa, quạt hơi nước... tăng cao thì cách tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay cũng là nguyên nhân chính khiến cho số tiền hiện các hộ gia đình phải thanh toán có dấu hiệu “tăng đột biến, bất thường”.
Cần có phương án tính giá điện hợp lý hơn
Trước ý kiến phản ánh của người dân, nhiều chuyên gia cho rằng, việc hoá đơn tiền điện tăng cao trong những tháng gần đây là do số điện tiêu thụ tăng, khi nhu cầu sử dụng cao trong tháng cao điểm về nắng nóng. Bởi theo cách tính giá điện luỹ tiến 6 bậc hiện nay thì người khách hàng sử dụng càng nhiều điện thì giá thành điện sẽ càng cao. Cụ thể, hiện nay, giá điện sinh hoạt đang được tính theo 6 bậc thang như sau:
Theo cách tính giá điện lũy tiến như trên, nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh.
Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, trong những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, khách hàng sử dụng nhiều phương tiện làm mát như điều hoà, máy lạnh, quạt, dẫn đến lượng điện năng sử dụng lớn. Kéo theo đó, lượng điện năng gia tăng sẽ từ bậc thang thấp nhảy lên bậc thang cao; như vậy, giá điện sẽ tăng lên rất cao. Vì thế, cần phải sửa biểu giá điện để phù hợp với thực tiễn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc áp dụng biểu giá điện theo bậc thang là phù hợp với bối cảnh thị trường điện Việt Nam hiện nay. Thực tế, giá điện bậc thang không chỉ được áp dụng tại Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước công nghiệp phát triển; tuy có khác nhau về cách phân chia lượng tiêu thụ cụ thể của các “bậc thang” tính giá điện. Biểu giá điện theo bậc thang được coi là công cụ điều tiết nhu cầu sử dụng điện của khách hàng… Cách tính này nhằm khuyến khích người sử dụng tiết kiệm điện bởi điện không phải là tài nguyên vô tận, đang được sản xuất chủ yếu từ các nguồn tài nguyên không tái tạo. Song, việc xây dựng các mức giá điện cần có sự điều chỉnh để sát với thực tế theo hướng bảo đảm lợi ích cho số đông khách hàng.
Được biết, từ giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc về 5 bậc.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giảm về 5 bậc thang giá điện đảm bảo cho số tiền điện của khoảng hơn 92% tổng số hộ có mức tiêu dùng điện dưới 700 kWh/tháng không tăng hoặc giảm tiền điện. Chỉ những khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700kWh/tháng sẽ bị thiệt do áp mức giá điện cao hơn hẳn các bậc từ 1- 4.
Chia sẻ quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc tính toán tiền điện đã bảo đảm tính minh bạch và khách hàng đều có thể kiểm tra dựa trên số đo công tơ và cách áp dụng biểu giá. Theo quy định, khi có nghi ngờ, khách hàng hoàn toàn có quyền khiếu nại với cơ quan có trách nhiệm. Nếu kết quả kiểm tra đúng khớp với chỉ số công tơ ghi được, khách hàng phải trả chi phí thuê thẩm định. Trong trường hợp ngược lại, đơn vị điện lực phải có trách nhiệm bồi hoàn cho khách hàng số tiền đã thu sai.
Liên quan đến những phản ánh của người dân về số tiền điện tăng “đột biến”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo kiểm tra và xử lý một số cá nhân sai phạm trong cách ghi số điện; đồng thời thực hiện kiểm tra độc lập hệ thống công tơ điện. Song, đây chỉ là những giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần sớm có phương án tính giá điện hợp lý; vừa bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp sản xuất điện, vừa phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người sử dụng điện năng. Đây là cách để EVN xóa bỏ những hoài nghi, tranh cãi về tiền điện mà người dân phải nộp như những gì đã diễn ra trong thời gian gần đây./.