Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn

Thứ Hai, 07/12/2020 23:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về xây dựng NTM ở địa bàn đặc biệt khó khăn, phát huy các nguồn lực tại chỗ, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong xây dựng NTM.

Đó là một trong những định hướng giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nhằm góp phần khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) tại vùng đặc biệt khó khăn.

 Xây dựng Nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều tiêu chí đạt mức thấp.
(Ảnh minh họa: BT)
8/64 huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2016-2020 tại vùng đặc biệt khó khăn, tính đến hết tháng 11/2020, đã có 8/64 huyện nghèo đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện (50%) thoát khỏi huyện nghèo.

Bên cạnh đó, đã có 15/108 xã thuộc 4 Đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM; 130/1.111 xã thuộc 85 huyện nghèo (Chương trình 30a) được công nhận đạt chuẩn NTM. Đồng thời, đã có 337/3.513 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM. Ước đến hết năm 2020 có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM. Về cơ bản đã đạt mục tiêu “Góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân”.

Nhìn chung, qua giai đoạn 2016-2020, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được chú trọng, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện đã có khoảng 80% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa đạt 73% bình quân cả nước.

Bên cạnh đó, mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn. Chất lượng điện ở nông thôn ngày càng được nâng cao, ổn định, tổn thất điện ngày càng giảm, cơ bản đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, kể cả công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở những huyện vùng cao.

Về lĩnh vực giáo dục, hệ thống trường mầm non và trường phổ thông các cấp được quy hoạch lại, bảo đảm phù hợp với sự biến động về số lượng học sinh. Có 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo. Một số địa phương ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa ưu tiên xây dựng các điểm trường mầm non, điểm trường tiểu học tạo thuận lợi cho trẻ được đi học. Hiện 100% trung tâm học tập cộng đồng đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. Đến nay, các địa phương vùng đặc biệt khó khăn đã có 62,1% đạt tiêu chí về Trường học (Cả nước đạt 72,8%), 89,1% số xã đạt tiêu chí về giáo dục.

Đặc biệt, liên quan đến tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2016-2020, ghi nhận kinh tế nông thôn ở vùng đặc biệt khó khăn có chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã triển khai hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, khai thác những lợi thế, tiềm năng để thực hiện thành công một số mô hình chuyển đổi sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Ở các tỉnh miền núi, rừng đã gắn bó với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân được giao đất, giao rừng đã có ý thức hơn trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng gắn với phát triển các sản phẩm khác từ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, xoá đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập.

Với chương trình OCOP, sau gần 3 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản các địa phương. Đến tháng 11/2020, trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã có khoảng 1.061 sản phẩm (chiếm 50,8% của cả nước), trong đó 21,4% sản phẩm đạt 4 sao, 76% sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều địa phương đã khai thác hiệu quả các sản phẩm đặc sản, truyền thống gắn với lợi thế để phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP. Nổi bật là các tỉnh như: Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai,…

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu NTM

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, kết quả đạt chuẩn NTM của các địa phương vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn chênh lệch khá lớn so với các vùng miền khác của cả nước. Đến nay vẫn còn 9 tỉnh có tỷ lệ đạt chuẩn NTM dưới 30%, khoảng 864 xã dưới 10 tiêu chí, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; 40 huyện thuộc 18 tỉnh còn “trắng xã NTM”.

Đi cùng với đó, hạ tầng thiết yếu mặc dù đã được quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư nhưng kết quả đạt chuẩn các tiêu chí còn thấp, đặc biệt là những tiêu chí đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, suất đầu tư cao như: 36% số xã chưa đạt tiêu chí giao thông, trong đó 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND xã; 1.422 thôn, bản chưa có điện, phải sử dụng dầu và các nguyên liệu khác để thắp sáng; 37,9% số xã chưa đạt tiêu chí trường học, 39,1% số xã chưa đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 40,1% số xã chưa đạt tiêu chí môi trường,…

Nhằm khắc phục khó khăn trong xây dựng NTM tại các địa phương vùng đặc biệt khó khăn, theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2021-2025, cần phấn đấu các huyện nghèo cơ bản hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu theo quy định về hạ tầng giao thông, điện, môi trường, nước sạch, trung tâm y tế đạt chuẩn, hạ tầng giáo dục, hạ tầng vùng nguyên liệu tập trung, hạ tầng thủy lợi liên xã, hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng thời, có ít nhất 200/1.815 xã đặc biệt khó khăn (khoảng 11%) đạt chuẩn NTM; có ít nhất 2.109/3.513 thôn, bản, ấp (60%) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho biết, ngoài các giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương vùng đặc biệt khó khăn cần tập trung chỉ đạo rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu còn lại của Chương trình giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có kế hoạch, lộ trình và giải pháp cụ thể để thực hiện, đặc biệt là các mục tiêu hỗ trợ xây dựng NTM cấp thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về xây dựng NTM ở địa bàn đặc biệt khó khăn, phát huy các nguồn lực tại chỗ, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong xây dựng NTM.

Đặc biệt, theo Bộ NN&PTNT, cần nghiên cứu, đổi mới và mở rộng chính sách cho vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tăng định mức cho vay, mở rộng đối tượng được vay về nước sạch và vệ sinh môi trường, thực hiện các nội dung về phát triển sản xuất, đặc biệt là phát triển Chương trình OCOP.

Quan tâm tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn xã theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó: hỗ trợ nhân rộng các mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả về trồng cây ăn trái, chăn nuôi đại gia súc,…để phát huy, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của vùng. Tăng kinh phí hỗ trợ cho các hộ nhận khóa khoanh nuôi, bảo vệ rừng để người dân có thu nhập ổn định, phát triển các sản phẩm từ rừng; thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung.

Thứ nữa, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm đến công tác đào tạo nghề, phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu tại địa phương, các sản phẩm đặc sản có lợi thế theo Chương trình OCOP, nhất là các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm. Phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX phát triển ngành nghề và sản phẩm OCOP, liên kết với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Để góp phần thúc đẩy xây dựng NTM tại vùng đặc biệt khó khăn, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương bố trí nguồn lực từ 2 Chương trình Mục tiêu Quốc gia còn lại hỗ trợ các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong Chương trình xây dựng NTM; hỗ trợ các nội dung phát triển sản xuất và mở rộng đối tượng cho vay để phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là phát triển Chương trình OCOP cho người dân trên các địa bàn đặc biệt khó khăn./.

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN