Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp

Thứ Sáu, 27/12/2019 21:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Năm 2019, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc, nhất là việc phối hợp liên ngành được triển khai thực hiện bước đầu các hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2019, trao đổi phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 và kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 585).

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TH )

Phát biểu khai mạc hội nghị, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Thực hiện Chương trình 585, năm 2019, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Đặc biệt, Chương trình 585 tiếp tục phát huy hoạt động của trang Facebook và ứng dụng kỹ thuật livestream trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 của Chương trình 585 đánh dấu bước đột phá trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là việc phối hợp liên ngành được triển khai thực hiện bước đầu các hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, công tác phối hợp liên ngành còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động tuyên truyền trên báo, đài còn trùng lặp…

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung trao đổi kết quả năm 2019 và kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 585, đề xuất xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sau năm 2020 nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hạn chế các rủi ro pháp lý trong kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nhấn mạnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 đến các chủ thể thuộc các loại hình kinh tế là vô cùng lớn. Do đó, các Hiệp hội doanh nghiệp cần nâng cao vai trò hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền mạnh mẽ chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; bám sát các nội dung hoạt động thuộc phạm vi chức năng của Hiệp hội để thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…

Các ý kiến cũng đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò của các bộ, ngành, tổ chức trong việc phối hợp triển khai các hoạt động của chương trình; triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động thuộc các dự án của chương trình; tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình 585; xây dựng một đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN