Chủ động rà soát, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính
(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh nội dung trên tại Toạ đàm đánh giá, rút kinh nghiệm về chỉ số cải cách hành chính năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp đến cuối năm 2024 của Bộ Tư pháp, diễn ra vào sáng ngày 18/6.
Đảm bảo tiến độ, chất lượng các đề án, văn bản được giao
Theo Báo cáo của Văn phòng Bộ Tư pháp, năm 2023 là năm thứ 6 liên tiếp, Bộ giữ vị trí xếp hạng trong nhóm 3 Bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp Bộ. Tổng số điểm Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp năm 2023 là 89.95/100 điểm - xếp thứ 01/17 bộ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, phần lớn các nhiệm vụ của Đề án 06 đã được Bộ Tư pháp khẩn trương chỉ đạo triển khai một cách nghiêm túc, thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, về cơ bản, các nhiệm vụ đang trong quá trình hoàn thành, đáp ứng được yêu cầu Đề án 06 đặt ra, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin giải quyết TTHC để hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Toàn cảnh Toạ đàm. Ảnh: TH. |
Tuy nhiên vẫn còn có 10 tiêu chí thành phần Bộ Tư pháp bị trừ điểm như: công khai TTHC và kết quả giải quyết hồ sơ, tỷ lệ TTHC thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận một cửa, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn theo quy định …
Trong 6 tháng còn lại năm 2024, Bộ sẽ tập trung rà soát lại toàn bộ nội dung TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Định kỳ hàng tháng thống kê đầy đủ những TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện TTHC. Tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu được số hóa nêu trên để thực hiện việc tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC. Các đơn vị thuộc Bộ thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác tư pháp địa phương để kịp thời có phương án xử lý.
Tại Toạ đàm, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã phát biểu tham luận nhằm làm rõ hơn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; Đề án 06 trong lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai như: các giải pháp về hoàn thiện thể chế còn chậm và chưa có nhiều đột phá, vẫn còn sự chồng chéo vướng mắc trong hệ thống pháp luật; việc triển khai các nhiệm vụ liên quan chưa đảm bảo tiến độ, nguồn lực còn hạn chế ảnh hưởng đến triển khai nhiệm vụ… Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC của Bộ trong thời gian tới, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ với thời hạn, tỷ lệ đúng yêu cầu.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Kết luận Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh biểu dương, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ về CCHC.
Để làm tốt công tác CCHC và triển khai Đề án 06 trong 6 tháng cuối năm, chuẩn bị cho Kế hoạch năm 2025, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần xác định rõ yêu cầu đặt ra để triển khai có hiệu quả, trong đó tập trung làm tốt nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ trong công tác chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, phục vụ CCHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận Toạ đàm. Ảnh: TH. |
Theo đó, có giải pháp để khắc phục trình trạng nợ đọng văn bản của các bộ, ngành, địa phương; đôn đốc các địa phương chủ động triển khai các nội dung đề xuất, quy trình soạn thảo; các đơn vị thuộc Bộ, các bộ, ngành địa phương cần quan tâm xử lý kịp thời các VBQPPL mâu thuẫn, chồng chéo, gây vướng mắc, cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai Đề án 06, Luật Giao dịch điện tử; chú trọng truyền thông chính sách trong xây dựng VBQPPL.
Đối với công tác CCHC của Bộ, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần đánh giá rút kinh nghiệm và có giải pháp và chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục; tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công việc của đơn vị, nghiên cứu áp dụng quy định của Luật Giao dịch điện tử trong triển khai các lĩnh vực mình quản lý để chuyển đổi phương thức làm việc, quản lý trên môi trường điện tử gắn với đề xuất các đề án chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dùng. Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Tư pháp, bảo đảm hoàn thành kết nối 100% dịch vụ công của Bộ Tư pháp trên Cổng thông tin Dịch vụ công Quốc gia.
Trong triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2024, cần có xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện và có tính dự báo để không bị động, quá hạn; trong đó chú trọng thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ; triển khai đồng bộ trên toàn quốc việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai việc tích hợp thông tin hộ tịch trên căn cước công dân…
Đối với việc triển khai Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị tiếp tục phát huy cách làm, kết quả đã đạt được trong thời gian qua để có nhận thức cao hơn, trách nhiệm hơn trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ./.