Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hỗ trợ người dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn do dịch COVID-19

Thứ Bảy, 28/08/2021 21:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của nhiều người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương, như: Người nghèo, người lao động trong khu vực phi chính thức, phụ nữ, trong đó có người dân tộc thiểu số (DTTS).

Trước đó, ngày 9/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng trong diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này với kinh phí hơn 62.000 tỷ đồng. Chính sách được ban hành kịp thời phần nào tháo gỡ khó khăn cho người dân trước ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, không chỉ đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 mà nhiều người DTTS hiện nay còn phải chịu tác động bởi sự bất bình đẳng về giới, bị trói buộc bởi những hủ tục... khiến họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương và cần được hỗ trợ.

Chị Triệu Thị Lan, người dân tộc Dao ở xóm Mới (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Hầu hết phụ nữ trong xóm tôi sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Trước đây, tiểu thương đến tận nơi để thu mua rau rừng, măng rừng. Nhưng hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên họ không đến thu mua nữa. Vì thế, việc tiêu thụ các loại rau rừng, măng rừng và những sản phẩm nông nghiệp khác của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.

Các cấp chính quyền, đoàn thể đã chủ động quan tâm thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo... trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị Hà Thị Xuân, chủ Homestay Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn) cho biết: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động du lịch bị đình trệ nên nguồn thu từ kinh doanh homestay của gia đình tôi bị sụt giảm nghiêm trọng. Là phụ nữ trong gia đình, chúng tôi thấy rất rõ sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Trước những khó khăn của người dân, ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện Tân Sơn, cho biết: "Tân Sơn có hơn 82% dân số là người DTTS. Thời gian qua, các cấp chính quyền, đoàn thể đã chủ động quan tâm thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo... trên địa bàn. Các cấp, các ngành của huyện cũng tích cực rà soát, lập danh sách các đối tượng khó khăn, các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... để hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, góp phần giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Riêng với đối tượng là phụ nữ DTTS, ngoài việc hỗ trợ trước mắt, chúng tôi còn quan tâm hỗ trợ lâu dài với nhiều hình thức, như: Dạy nghề, cho vay vốn, hướng dẫn triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt...".

Không chỉ ở Tân Sơn, người DTTS trên cả nước đang là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Ủy ban Dân tộc, từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 24/8/2021, vùng đồng bào DTTS, miền núi có 322.166 ca F0. Trong đó, khu vực từ miền Trung trở vào có 1.874 ca F0 là người DTTS (tăng 19 ca so với số liệu tính đến ngày 22/8/2021).

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, trong đó có vùng đồng bào DTTS, các cơ quan công tác dân tộc trên địa bàn tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch COVID-19; tổ chức tiêm vắc xin cho người có nguy cơ cao; có những chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Dân tộc đã thống nhất: Tiếp tục triển khai các giải pháp tại Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị số 17 của UBND TP. Hà Nội; Thông báo kết luận số 1111/TB-UBDT ngày 12/8/2021 và các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chỉ đạo công tác phòng, chống COVID-19; Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bào vùng DTTS và miền núi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19; xây dựng kế hoạch bổ sung, các phương án và triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các Ban, Bộ, ngành...

Đặc biệt, để hỗ trợ đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bới dịch COVID-19, Ủy ban Dân tộc đang xem xét hỗ trợ người DTTS là F0 với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người; 2.000.000 đồng/ca tử vong.

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, người DTTS tiếp tục là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng. Bởi vậy, cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện hơn, không chỉ hỗ trợ trước mắt mà còn cần những cơ chế, chính sách mang tính dài hơi nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng của người DTTS, như: Tạo việc làm, tăng thu nhập... để người DTTS có thể thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Duy Bách

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN