Hồ cũ cứ lấp, hồ mới chưa xây, Hà Nội sẽ ra sao?
(ĐCSVN) - Hồ có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển đô thị, thế nhưng thực tế hiện nay tại Hà Nội lại đang xảy ra tình trạng hàng loạt hồ bị lấp trong khi những dự án xây dựng hồ mới vẫn chỉ nằm trên giấy.
Hồ Thành Công vốn đã lọt thỏm giữa đô thị, nhưng vừa qua một công ty xây dựng vẫn đề xuất lấp một phần để làm nhà tái định cư.
Ảnh: vietnamnet.vn
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho thấy, tính từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ (giảm 10 hồ). Quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) đã có 4 hồ bị san lấp. Một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể. Cụ thể, quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 đến nay, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Hồ Tây trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ còn 460ha.
Hồ được coi là lá phổi của thành phố, giúp điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan, hỗ trợ cho hệ thống thoát nước ở khu vực nhất là mỗi khi mưa to. Vì vậy, mấy năm gần đây, Hà Nội đã quy hoạch xây dựng mới một số công viên hồ điều hòa như Công viên hồ điều hòa Yên Hòa, Cầu Giấy, Công viên thể thao cây xanh Hà Đông… nhưng đến nay, theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy, hoặc chậm tiến độ, thậm chí có dự án đang bị lợi dụng để làm kiốt, bãi đỗ xe, nhà hàng…
Việc xây hồ mới chưa thực hiện được, trong khi hồ cũ cứ lấp, cứ lấn chiếm, đó là một mâu thuẫn gây tốn kém và ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, làm giảm vai trò trữ nước, điều tiết thoát nước của hồ điều hòa.
Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đang tăng nhanh, cùng với đó là mật độ dân số ngày càng cao hơn. Song song với đô thị hóa, lẽ ra Hà Nội đã phải có thêm nhiều hồ hơn nữa, thế nhưng ngược lại, những hồ cũ đang bị lấn, bị lấp không thương tiếc, trong khi hồ mới chưa hình thành. Các chuyên gia về môi trường và đô thị cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến người ta cảm thấy Hà Nội đang nóng hơn, ngột ngạt hơn và ngày càng dễ ngập lụt hơn mỗi khi có mưa to. Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị lấp, bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở dẫn đến tình trạng lấn hồ làm nhà ở, hàng quán, lối đi…
Công viên và cây xanh vốn đã hiếm, hồ nước và hệ thống kênh rạch điều hòa không khí tại các thành phố lớn lại đang dần bị thu hẹp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái, cảnh quan và chất lượng sống của người dân. Vì vậy, trong quá trình phát triển đô thị, các nhà quản lý và cộng đồng cần quan tâm bảo tồn diện tích mặt nước và các hồ hiện có, đồng thời phát triển thêm hồ mới, nhằm tạo cảnh quan môi trường thân thiện, điều hòa nhiệt độ và trữ nước mỗi khi mưa to để tránh ngập lụt./.