Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hình phạt nào cho đối tượng rao bán ĐVHD trên Internet ?

Thứ Hai, 14/11/2022 13:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Lợi dụng sự thuận tiện của internet, thời gian gần đây nhiều đối tượng đã ngang nhiên quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) và các sản phẩm từ ĐVHD trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm là “hàng cấm” theo quy định của pháp luật.

Các sản phẩm chế tác từ ĐVHD được các cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: TL 

 Tình trạng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp

Những năm gần đây, tình trạng vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) trên không gian mạng tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã liên tiếp ghi nhận nhiều đối tượng quảng cáo, rao bán động vật hoang dã trái phép trên Internet bị xử phạt vi phạm hành chính. Những chế tài mạnh mẽ của các cơ quan chức năng chỉ với hành vi “quảng cáo bán ĐVHD trên Internet” đã vào đang thể hiện thái độ “không khoan nhượng”, quyết tâm ngăn chặn các vi phạm về ĐVHD trên không gian mạng.

Số liệu do ENV chỉ rõ,  riêng ba quý đầu năm 2022, cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của đơn vị này đã ghi nhận 2.600 vụ việc vi phạm về ĐVHD, trong đó chiếm tới 52% là các vụ việc vi phạm trên Internet (với 1.326 vụ). Một số nền tảng mạng xã hội thường ghi nhận các vi phạm như: Facebook, Zalo, YouTube, TikTok.

Có thể thấy rõ, lợi dụng sự thuận tiện của Internet, việc dễ dàng chào hàng, thỏa thuận mua bán với khách hàng, sử dụng được nhiều tài khoản ảo ẩn danh gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, nhiều đối tượng đã ngang nhiên quảng cáo, rao bán trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm là “hàng cấm” theo quy định của pháp luật.

Mặc dù hầu hết các đối tượng đều nhận thức được sản phẩm mình đang rao bán là hàng cấm nhưng lợi nhuận cao cùng mức độ rủi ro thấp đã thúc đẩy các đối tượng xâm hại đến các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm để thu lợi bất chính.

Đáng nói nhất là những vụ việc gần đây, cụ thể: Ngày 11/10/2022, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Phạm Hương Lan (sinh năm 1984, trú tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) với mức phạt 77,5 triệu đồng về hành vi đăng tải quảng cáo sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định. Trước đó, đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân tên “Phạm Lan” để quảng cáo rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi, móng gấu, cao khỉ và nhiều sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, ngày 14/10/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Nguyễn Thị Bích Hậu (sinh năm 1989, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) với mức phạt 85 triệu đồng về hành vi quảng cáo hàng cấm. Trước đó, đối tượng sử dụng tài khoản Facebook cá nhân với tên “Mộc Mộc” đăng tải các bài viết quảng cáo, rao bán mật gấu, vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Gần đây nhất là ngày 17/10/2022, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Nguyễn Thị Tuấn (trú trên địa bàn tỉnh Điện Biên) với mức phạt 70 triệu đồng cho hành vi quảng cáo mật gấu trái phép. Trước đó, sau khi tiếp nhận tin báo từ người dân, Công an thành phố Điện Biên Phủ đã phát hiện đối tượng Tuấn thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau để đăng tải các bài viết rao bán mật gấu trái phép.

Cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng

Nhận xét về những vụ việc gần đây, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, chia sẻ: ENV hoan nghênh mức phạt nghiêm khắc tại các địa phương đã áp dụng với các đối tượng quảng cáo bán ĐVHD trên Internet. Tuy không gian mạng là “ảo” nhưng các giao dịch và lợi ích đối tượng thu được từ hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép là có thật.

“Chúng ta đã có một hệ thống quy phạm pháp luật khá toàn diện để xử lý vi phạm về ĐVHD dù cho đó là vi phạm trên không gian mạng. ENV khuyến khích các cơ quan chức năng vận dụng quy định pháp luật để điều tra, xác minh làm rõ cũng như xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng có liên quan. ENV cũng hi vọng những mức hình phạt nghiêm khắc với hành vi quảng cáo ĐVHD sẽ góp phần răn đe, nâng cao nhận thức của cộng đồng về những hậu quả nghiêm trọng của hành vi này, từ đó góp phần xóa bỏ vi phạm về ĐVHD trên không gian mạng”, bà Hà cho biết.

Theo ENV, mọi hành vi lưu giữ, quảng cáo, kinh doanh các loài ĐVHD và sản phẩm, bộ phận từ ĐVHD mà không có nguồn gốc hợp pháp hoàn toàn bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Tùy theo loài, tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi nuôi nhốt, săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, sản phẩm, bộ phận liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo Nghị định về xử phạt vi phạm.

Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo bán trái phép các sản phẩm ĐVHD (không phân biệt là hàng thật hay hàng giả) dù là trên Internet cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định. 

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn hiệu quả nạn buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là tình trạng rao bán,  trái phép trên mạng Internet cần thiết phải hoàn thiện và thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời những bất cập trong các văn bản pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã. Tăng cường thực thi pháp luật về công tác phòng, chống buôn bán trái pháp luật và bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã.

Về lâu dài, cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý toàn diện hoạt động của các cơ sở nuôi động vật hoang dã không vì mục đích thương mại, trong đó có các cơ sở nuôi nhốt hổ, nhằm bảo đảm hoạt động cho các cơ sở hợp pháp, đồng thời ngăn chặn hiệu quả việc các đối tượng lợi dụng vỏ bọc “cơ sở nuôi động vật hoang dã không vì mục đích thương mại” để thực hiện các hoạt động buôn bán trái pháp luật.

Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật, hoàn thiện khung pháp lý về nghiêm cấm các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, việc tăng cường các can thiệp mềm bằng truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng là việc rất quan trọng./.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN