Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả từ những phiên tòa giả định

Thứ Năm, 06/04/2023 12:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Được xây dựng từ tình tiết của các vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thời gian qua, những "Phiên tòa giả định” tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh miền núi Lào Cai đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Thông qua các phiên tòa này đã giúp người dân, nhất là các em học sinh nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Một ngày cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi được tham dự phiên tòa giả định do Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai phối hợp cùng các chi đoàn Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân tỉnh, chi đoàn cục thi hành án dân sự tỉnh, chi đoàn Sở Tư pháp; Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, Huyện đoàn Bát Xát tổ chức tại Trường THCS xã Bản Qua (Bát Xát).

Toàn cảnh phiên tòa giả định tại Trường THCS xã Bản Qua, huyện Bát Xát. (Ảnh: Lù A Pìn). 

Phiên tòa giả định có kịch bản dựa trên những vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. Nội dung của phiên tòa là xét xử bị cáo Nguyễn Trường Giang và Nguyễn Mạnh Cường về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Với sự tham gia của hàng trăm học sinh cùng các thầy cô giáo và người dân, phiên tòa giả định được tổ chức nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức cảnh giác cho học sinh trước thủ đoạn của tội phạm mua bán người, từ đó chung tay đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người. Em Lù Thị Thanh, học sinh tại Trường THCS xã Bản Qua chia sẻ: “Tình tiết diễn biến và vụ việc xảy ra được sân khấu hóa đã giúp chúng em tiếp thu nhanh hơn, hiểu hơn về quy định của pháp luật, về quyền lợi của trẻ em cũng như trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước các hành vi mua bán người. Em và các bạn mong muốn được tham gia nhiều hơn các phiên tòa giả định như hôm nay”.

Được biết, với đặc điểm có đường biên giới trải dài, Lào Cai là địa bàn trung chuyển, nhiều thời điểm hoạt động mua bán người diễn ra phức tạp. Tính riêng trong giai đoạn 2012 - 2022, các cơ quan chức năng của Lào Cai đã tiếp nhận hơn 840 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 327 nạn nhân là người trong tỉnh. Phần lớn các vụ án mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong và ngoài nước với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều nạn nhân là học sinh, sinh viên, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước thực tế đó, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan, trường học tổ chức mô hình “Phiên tòa giả định” tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Bằng hình thức trực quan, sân khấu hóa vừa sinh động, vừa gần gũi, các thầy, cô giáo, phụ huynh, người dân và nhất là các em học sinh tham dự những phiên tòa giả định đã có cơ hội tiếp cận các tình tiết vụ án, các quy định pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, việc xây dựng kịch bản những phiên tòa giả định bám sát thực tiễn đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của mọi người; giúp các em học sinh, đoàn viên, thanh niên thiếu niên dễ tiếp thu các nội dung kiến thức pháp luật và nắm được thủ đoạn của kẻ xấu liên quan đến tội phạm mua bán người qua biên giới.

“Phiên tòa giả định” đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của học sinh, thanh, thiếu niên trên địa bàn tình Lào Cai. (Ảnh: Lù A Pìn) 

Cùng với tuyên truyền về tội phạm mua bán người, nội dung những phiên tòa giả định còn được xây dựng theo hướng toàn diện, phản ánh các tình huống pháp lý, các vụ việc vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực sát với tình hình thực tiễn tại địa phương như tội phạm mua bán ma túy, tội phạm xâm hại trẻ em,… Đặc biệt, phần giao lưu và trực tiếp trả lời các câu hỏi sau mỗi phiên tòa đã kịp thời giải đáp thắc mắc của mọi người, nhất là các em học sinh, đoàn viên, thanh niên thiếu niên. Nhiều câu hỏi tình huống cũng được thành viên Hội đồng xét xử và đại diện các cơ quan trả lời cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Qua đó đã giúp mọi người hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến chủ đề phòng, chống mua bán người nói riêng và phòng chống tệ nạn xã hội nói chung; giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng sống, nâng cao cảnh giác để phòng tránh cạm bẫy của các đối tượng lừa đảo mua bán người…

Anh Má A Chư ở xã Pa Treo, huyện Bát Xát cho biết: “Tham dự phiên tòa giả định, tôi và mọi người đã hiểu hơn về các quy định pháp luật gắn vào những tình huống, vụ việc cụ thể trong đời sống xã hội. Đây thực sự là cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực quan, dễ hiểu, có hiệu quả”.

Có thể thấy, “Phiên tòa giả định” là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế của tình Lào Cai. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu niên trong tình hình hiện nay. Với những hiệu quả tích cực, các phiên tòa giả định đã giúp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật; đồng thời, giáo dục cho mọi người, nhất là học sinh, đoàn viên, thanh niên về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ hiện nay, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, tăng cường sự ổn định mọi mặt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.

Nguyễn Thị Phượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN