Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả từ một đề án

Thứ Tư, 02/03/2022 11:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thành tựu công nghệ thông tin…

 “Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Bình”  thường xuyên cập nhật những quy định mới. (Ảnh chụp màn hình)

Thời gian gần đây, “Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Bình” đã trở thành địa chỉ tin cậy để người dân truy cập, tìm kiếm thông tin, kiến thức về các quy định của pháp luật. Trang thông tin cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời những kiến thức về pháp luật; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp qua nhiều hình thức khác nhau đã giúp đưa các chính sách pháp luật đi sâu vào đời sống; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật. Với thiết kế giao diện khoa học, hợp lý; các nội dung được cập nhật thường xuyên, “Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Bình” được coi là điểm nhấn nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương. Chị Nguyễn Thị Thu Hà ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cho biết: “Khi có những vướng mắc về các quy định pháp luật, tôi thường truy cập tìm kiếm ở Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Bình. Đây thực sự là kênh thông tin cập nhật, bổ ích đối với tôi và mọi người trong gia đình”.

Tìm hiểu được biết, để thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố thường xuyên đăng tải kịp thời thông tin về pháp luật trên Trang thông tin, Cổng thông tin theo quy định. Đồng thời, tăng cường sử dụng mạng Facebook, Youtube, Zalo và các phần mềm ứng dụng phổ biến, giáo dục pháp luật trên điện thoại thông minh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. Qua đó, đã bắt nhịp được với xu thế chung khi tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối internet ngày càng tăng. Điện thoại thông minh trở thành công cụ thiết yếu trong việc liên lạc, giải trí; giúp người dân nắm bắt những thông tin, trong đó có thông tin về pháp luật, các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình đã chủ động tham mưu ban hành quy chế hoạt động, thành lập Ban Biên tập, Tổ giúp việc Trang thông tin điện tử; tích hợp, mở rộng các tính năng cập nhật thông tin của “Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Bình”; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết khai thác, sử dụng công nghệ thông tin để tiếp cận các nội dung, kiến thức, quy định pháp luật.

 Fanpage “Tỉnh đoàn Ninh Bình” có trên 22.300 lượt người theo dõi,  gần 21.800 lượt người yêu thích. (Ảnh chụp màn hình).

Điểm nổi bật trong thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” ở tỉnh Ninh Bình đó là đã phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Điển hình có thể kể đến các hoạt động của Tỉnh Đoàn Ninh Bình. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu nhi; duy trì có hiệu quả hoạt động của website tinhdoanninhbinh.gov.vn và Fanpage “Tỉnh đoàn Ninh Bình”; trong đó, Fanpage “Tỉnh đoàn Ninh Bình” có trên 22.300 lượt người theo dõi,  gần 21.800 lượt người yêu thích. Nhiều trang mạng xã hội, Facebook, Zalo... cũng trở thành hệ thống tuyên truyền thực hiện các phong trào, hoạt động của Đoàn. Hiện nay, 100% các cơ sở Đoàn đều có Fanpage để kết nối với đoàn viên thanh niên và thông qua đó để định hướng, giúp đỡ thanh niên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Theo đồng chí Trịnh Như Lâm, Bí thư Tỉnh đoàn Ninh Bình, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp đoàn viên thanh niên hình thành ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành và các địa phương trong toàn tỉnh đã tăng cường triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật qua ứng dụng mạng xã hội, công nghệ viễn thông, thông tin như Facebook, Zalo, Youtube và các mạng xã hội khác… Tăng cường, khuyến khích nhân dân tra cứu thông tin pháp luật trên các kênh truyền hình pháp luật; các diễn đàn trực tuyến, nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý, khai thác, vận hành các cổng hoặc trang thông tin điện tử để phổ biến, giáo dục pháp luật. Đẩy mạnh công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Đến nay, hiệu quả thu được khá rõ nét. Công tác tuyên truyền có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo người dân cùng tham gia tìm hiểu kiến thức về pháp luật; đối tượng tiếp nhận và nội dung tuyên truyền được mở rộng so với trước; các chính sách, pháp luật mới ban hành được thông tin kịp thời; ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhân dân dần được nâng lên...

Để tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp ở Ninh Bình sẽ bám sát chương trình nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm để đa dạng hóa các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại cơ sở gắn với khai thác tốt mạng viễn thông, các trang mạng xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Đồng thời, coi trọng việc rút kinh nghiệm; duy trì và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân toàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Hoàn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN