Hiệu quả từ mô hình dân vận khéo “Tổ hợp tác phát triển kinh tế có thu nhập cao”
(ĐCSVN) – Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thời gian qua xã Tân Hoà, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đã tập trung xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, trong đó nổi bật có mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế có thu nhập cao” được tỉnh, huyện đánh giá cao.
Ra mắt mô hình “Phát triển kinh tế, gắn kết du lịch cộng đồng” năm 2023 xã Tân Hoà. |
Xã Tân Hòa có diện tích tự nhiên 20,32 km² và có hơn 90% diện tích đất canh tác là nông nghiệp. Có 2.710 hộ với 10.056 khẩu, trong đó có 2.276 hộ có tham gia các tổ chức đoàn thể. Hiện toàn xã có rất nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực mang lại hiệu quả tích cực, trong đó nổi bật có mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế có thu nhập cao” mang lại hiệu quả đáng kể và được tỉnh, huyện đánh giá cao. Đầu năm 2023, xã Tân Hoà tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế có thu nhập cao” kết nạp thêm thành viên vào tổ hợp tác và mạnh dạn thành lập thêm mô hình Dân vận khéo “Phát triển kinh tế, gắn kết du lịch cộng đồng”.
Trong quá trình triển khai, Đảng ủy tiến hành khảo sát nhu cầu các hộ dân trên địa bàn xã và tổ chức họp dân để thông qua dự thảo kế hoạch thành lập mô hình; triển khai 01 cuộc có 41 đại biểu tham dự, trong đó có 20 hộ đăng ký tham gia. Triển khai Quyết định số 16-QĐ/BDVHU ngày 12/4/2023 về việc thành lập Tổ thực hiện mô hình “Phát triển kinh tế gắn kết du lịch cộng đồng” có 24 thành viên (đồng chí Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy làm Tổ trưởng, 03 đồng chí là Tổ phó gồm Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội LHPN xã) và thông qua Quy chế hoạt động của Tổ để các thành viên biết cùng nhau thực hiện.
Khối Dân vận xã chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai, tổ chức thực hiện đã tác động rất lớn đến nhận thức bà con Nhân dân, nhận thức tiến bộ rõ nét hơn so với trước khi thực hiện mô hình như: công tác tuyên truyền, vận động giữa các hộ dân với nhau thực hiện phong trào thi đua sản xuất giỏi, vận động bà con tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật từ đó bà con trong mô hình nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân lúa giống, con giống…
Xã cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện tạo điều kiện cho một số hộ bà con có nhu cầu để tiếp cận vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, cải tạo vườn tạp. Bên cạnh đó, từng hộ gia đình tham gia mô hình sẽ hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Tổ chức được 03 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và phòng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Liên kết sản suất theo chuỗi giá trị, đăng ký mã vùng trồng cho 01 số sản phẩm nông nghiệp như: Xoài Cát Hòa Lộc, Sầu Riêng… Những hộ mở rộng sản xuất, quy mô canh tác sẽ tạo điều kiện cho những đối tượng không có việc làm trên địa bàn có công ăn, việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mô hình được tổ chức sinh hoạt ít nhất 01 lần/tháng vào ngày 10 hàng tháng.
Các mô hình dân vận khéo góp phần xây dựng huyện Châu Thành ngày một phát triển. (Ảnh: Nguyễn Dũng) |
Qua gần một năm thành lập đi vào hoạt động, đến nay mô hình cơ bản đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, cụ thể như: Thông qua mô hình đã gắn kết được các hộ dân cùng nhau phát triển kinh tế, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tuyên truyền bản sắc văn hóa vùng với những câu hát, lời ca trên dòng sông, cho du khách được trãi nghiệm cuộc sống làm nông, thưởng thức các món bánh dân gian hay những món ăn đậm chất đồng quê, trèo cây, hái trái…
Ngoài thu nhập từ các đoàn khách đến tham quan trại dê sữa Ngọc Đào, các thành viên là chủ vườn cây ăn trái đều có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm.
Điển hình là hộ gia đình chị Phạm Thị Thu Ba, qua thời gian tham gia mô hình thấy được hiệu quả từ việc liên kết sản xuất phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch cộng đồng chị đã mạnh dạng cùng chồng vận động các hộ dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Đạt có 30 thành viên tham gia, vốn điều lệ ban đầu là 01 tỷ đồng. HTX phát huy ngành nghề như: Sản xuất và cung ứng lúa giống, cây giống các loại, tiêu thụ lúa hàng hóa, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất và cung ứng các mặt hàng nông sản, sản xuất, kinh doanh, mua bán hoa kiểng.
Với những kết quả bước đầu, cho thấy mô hình đã đi đúng hướng theo Nghị quyết bốn trụ cột của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới. các thành viên mô hình đã dự kiến xây dựng thêm những điểm nhấn tại các vườn trái cây, cũng như các điểm tham quan, trải nghiệm của hộ dân, bố trí thêm nhiều điểm ẩm thực (làm bánh, nấu ăn). Xã cũng đề xuất mở rộng tuyến lộ giao thông đường bộ đến được trại sữa dê và các vườn trái cây, làng nghề truyền thống của địa phương để thu hút nhiều hơn nữa khách đến tham quan, phát huy hiệu quả mô hình./...