Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cà Mau hướng đến phát triển bền vững ngành thủy sản

Thứ Tư, 26/06/2024 15:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhằm hướng đến phát triển bền vững ngành thủy sản, UBND tỉnh Cà Mau luôn sát sao chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chống khai thác hủy diệt và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đẩy mạnh chuyển đổi nghề…

Nông dân xã Hoà Tân, TP Cà Mau thu hoạch tôm thẻ chân trắng. (Ảnh: Huỳnh Lâm) 

Đặc biệt, Châu Âu là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Do đó, việc tồn tại “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền của ngành thủy sản nói chung mà gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục ngàn ngư dân trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, tỉnh Cà Mau luôn xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh.

Để phấn đấu cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC trong năm 2024, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trọng tâm là tiếp tục giám sát tàu cá qua thiết bị giám sát hành trình (VMS) để cảnh báo kịp thời đối với những tàu gần biên giới vùng biển nước ngoài. Kiểm soát chặt chẽ các tàu mất kết nối thiết bị VMS để các tàu hoạt động bình thường trong vùng biển Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát 100% sản lượng khai thác qua cảng cá và bến cá tư nhân. Đồng thời, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo 100% vi phạm phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý theo quy định. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện có liên quan và thành phố Cà Mau rà soát việc thực hiện số hóa dữ liệu liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Qua đó, có giải pháp khắc phục đối với những nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại các vùng ven biển, vùng nội đồng trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân. Vận động các mạnh thường quân thả hơn 02 triệu con giống tôm sú, cá chẽm, cua biển… ra môi trường tự nhiên.

Năm 2020, UBND tỉnh đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế (TICA) thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan thả khoảng 900 khối rạn nhân tạo xuống khu vực biển Tây của tỉnh. Đồng thời, thành lập Tổ Đồng quản lý bảo vệ và khai thác khu vực thả rạn nhân tạo, gồm 15 thành viên, với 33 tàu cá tham gia canh giữ. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã giao Trung tâm Giống nông nghiệp thực hiện dự án bảo tồn nguồn lợi cá đồng tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh, trên quy mô 10 ha. Phối hợp với UBND huyện U Minh xây dựng mô hình bảo vệ, phát triển nguồn lợi cá đồng khoảng 60 ha. Xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản cá đồng tại xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, làm cơ sở để nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.

Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời Nguyễn Cảnh Hạnh, cho biết: “UBND xã tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, ngư cụ cấm để khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản. Quan trọng nhất là công tác chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác thủy sản bằng nghề cấm. Đến nay, một số hộ dân đã chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản quanh Hòn Đá Bạc. Năm 2020, tỉnh đã thả khoảng 900 khối rạn san hô nhân tạo xuống vùng biển Tây của tỉnh, trong đó có vùng biển của xã quản lý, nhằm hạn chế tình trạng ghe, tàu đánh bắt ở vùng nước ven bờ, tạo điều kiện để thủy sản sinh sản và phát triển. Đồng thời, UBND xã đã phối hợp tốt trong công tác tuần tra, bảo vệ các khối rạn, từng bước nâng cao ý thức của người dân trong quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, hướng đến phát triển thủy sản bền vững”.

Để tăng cường phòng, chống khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 15/11/2023; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/02/2024 chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định về nghiêm cấm sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ và ngành nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản. Xác định ngăn chặn khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Kết quả, đến ngày 15/6/2024, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động gần 34.300 hộ dân ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác nguồn lợi thủy sản ở tất cả các vùng nước. Vận động người dân tự nguyện giao nộp gần 600 bộ dụng cụ kích điện dùng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. 100% xã, phường, thị trấn đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý gần 350 vụ vi phạm các quy định về khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, với số tiền hơn 1,36 tỉ đồng.

Để phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, cho biết: “Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm quan điểm, mục tiêu, định hướng và các giải pháp chống khai thác IUU và khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Quản lý chặt đội tàu khai thác; Tuyên truyền, vận động người dân phát hiện, tố giác các hành vi khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản đến các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý;Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản. Chuyển đổi nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hủy hoại môi trường tự nhiên sang các ngành nghề khác, tạo sinh kế ổn định, lâu dài và bền vững cho người dân”./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN