Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả từ gói tín dụng đối với những người nghèo vùng dự án sử dụng vốn vay AFD

Thứ Hai, 29/08/2016 16:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Là ngân hàng được chọn ủy thác giải ngân vốn vay từ gói hỗ trợ tín dụng nhỏ của Dự án Thủy lợi Phước Hòa sử dụng vốn vay AFD, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) luôn cam kết và đồng hành cùng bà con tại vùng dự án ở các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Long An trong việc nỗ lực dẫn vốn đến với từng hộ dân bị thu hồi đất để phục vụ cho dự án một cách thuận lợi và nhanh chóng, giúp họ có vốn ổn định cuộc sống.

Gói hỗ trợ tín dụng hiệu quả cho người nghèo (Ảnh: L.X)

Gói hỗ trợ tín dụng nhỏ của Dự án Thủy lợi Phước Hòa sử dụng vốn vay AFD ủy thác qua NHCSXH đến với người dân trong vùng dự án được giải ngân ngay tại Điểm giao dịch xã, phường, nơi họ cư trú giúp cho người dân tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, kịp thời để tái sản xuất và phát triển kinh tế

Khởi nghiệp từ dòng vốn của dự án

Dự án Thủy lợi Phước Hòa là dự án thủy lợi tổng hợp nhằm cung cấp nguồn nước bổ sung cho lưu vực sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông để phát triển sản xuất nông nghiệp và bổ sung nguồn nước để kiểm soát mặn, cung cấp nước sinh hoạt cho đô thị và khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận.

Việc thu hồi đất và di chuyển nơi ở để xây dựng công trình cho dự án sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình trong vùng dự án. Do vậy việc tiếp cận tín dụng là một trong những chương trình hỗ trợ mà Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) muốn hướng đến cho bà con, đặc biệt là các hộ cận nghèo, các hộ bị ảnh hưởng nặng có mức sống trung bình trở xuống cần vốn vay với lãi suất thấp để ổn định đời sống là rất cần thiết giúp họ tái tạo sản xuất, phục hồi thu nhập, tạo công ăn việc làm nơi ở mới.

Ông Lê Văn Trường, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án ngành nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước) cho biết: “Các hộ bị ảnh hưởng đều có hoàn cảnh khó khăn, nhất là sau khi bị thu hồi đất. Để giúp các hộ dân ổn định cuộc sống, Ban quản lý dự án đã ưu tiên cho những hộ bị ảnh hưởng nặng hoặc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận chương trình vay vốn. Từ nguồn vốn đó, các hộ đã mở cửa hàng kinh doanh nhỏ, xây dựng chuồng trại, mua con giống chăn nuôi nhằm tăng thu nhập”.

Với những người dân trong vùng Dự án Thủy lợi Phước Hòa tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Long An, việc thu hồi đất để thực hiện dự án đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh kế và đời sống của các hộ gia đình nơi đây; hầu hết các hộ này đang sống chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, chương trình vay vốn tín dụng từ nguồn vốn của AFD được ủy thác giải ngân qua NHCSXH trong những năm qua đã giúp bà con ổn định cuộc sống, tái tạo sản xuất, phục hồi thu nhập và tạo công ăn việc làm ở nơi ở mới.

Trước năm 2014, hộ anh Nguyễn Thanh Dũng ở ấp 7, xã Tân Thành, huyện Đồng Xoài (Bình Phước) có gần 2 ha đất trồng cao su. Khi triển khai dự án, anh Dũng bị thu hồi gần một nửa diện tích đất sản xuất nên gia đình gặp không ít khó khăn. Anh Dũng cho biết: “Năm 2014, gia đình tôi được dự án cho vay 20 triệu đồng, NHCSXH tỉnh Bình Phước đã làm thủ tục tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân, số vốn này gia đình mua phân bón về chăm sóc, cải tạo lại vườn cây, nay kinh tế đã ổn định”.

Hay gia đình ông Trần Đình Thụy ở xã Tân Thành, huyện Đồng Xoài (Bình Phước) NHCSXH giải ngân 20 triệu đồng năm 2012, đã mua 6 con heo nái về nuôi để bán giống. Đến nay, gia đình ông có 9 heo nái, mỗi năm xuất 15 - 18 heo con, mang lại nguồn thu nhập khá.

Tại Tây Ninh, khi chúng tôi đến thăm hộ chị Đặng Thị Kim Phương, tại thôn Phước Lập, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành (Tây Ninh) đang chăm sóc vườn cao su của gia đình có sự đầu tư của dòng vốn từ dự án Thủy lợi Phước Hòa mà NHCSXH đã giải ngân 20 triệu đồng cho gia đình năm 2013. Chị Khương cho biết: “Là hộ phải di dời để phục vụ cho dự án, cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn trong việc di dời và ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình. Nhờ dòng vốn hỗ trợ từ dự án được NHCSXH giải ngân, gia đình đã đầu tư vào việc trồng cây cao su. Nguồn vốn vay này đã giúp đỡ gia đình bớt khó khăn đi phần nào và góp phần ổn định cuộc sống trên vùng đất mới. Tuy nhiên, mức cho vay hiện nay đối với các hộ gia đình là 20 triệu đồng là chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của bà con. Để đáp ứng được cần phải nâng mức cho vay của chương trình, có như vậy bà con đầu tư vào sản xuất sẽ tập trung hơn”, chị Khương kiến nghị.

Luôn đồng hành với người dân vùng dự án

Để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng dự án, với mục tiêu chính của dự án hướng đến và là ngân hàng được chọn ủy thác giải ngân vốn, NHCSXH đã chủ động xây dựng kế hoạch tham gia chương trình hỗ trợ xã hội tiếp cận tín dụng cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Thủy lợi Phước Hòa. Theo đó, NHCSXH phối hợp với Ban quản lý các dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch giải ngân cho các hộ bị ảnh hưởng có nhu cầu vay vốn.

Với tổng nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH là gần 18 tỷ đồng, đến hết tháng 7/2016 tổng dư nợ của chương trình đạt gần 12 tỷ đồng với 582 hộ còn dư nợ; doanh số cho vay đạt 15,7 tỷ đồng với 757 lượt khách hàng vay vốn; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,17%; tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn là 82%.

Theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Phước, Trương Thanh Dũng: “Đây là chương trình an sinh xã hội được các cấp, các ngành quan tâm và đặc biệt là sự ủng hộ từ phía người dân. NHCSXH đã tổ chức giải ngân đến các hộ dân trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban quản lý và các Tổ tiết kiệm và vay vốn để hướng dẫn, hoàn tất thủ tục hồ sơ, giải ngân trực tiếp đến người vay kịp thời trên cơ sở danh sách hộ gia đình bị ảnh hưởng đã được khảo sát và phê duyệt. Qua 4 năm thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho 100% hộ dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của chương trình để phục vụ sản xuất kinh doanh nhỏ, chăn nuôi và trồng trọt”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, ông Bùi Viết Hồng, cho biết: “Toàn xã có 269 hộ bị ảnh hưởng từ dự án, chủ yếu là thu hồi đất sản xuất. Với sự hỗ trợ vay vốn, bình quân 20 triệu đồng/hộ qua NHCSXH và được hỗ trợ học nghề. Sự hỗ trợ này được giải ngân đến các hộ dân được thực hiện rất hiệu quả, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống trên vùng đất mới.”

Quá trình thiện hiện dự án tại các tỉnh được triển khai kịp thời, phần nào giải quyết được những khó khăn cho các hộ bị ảnh hưởng. Chính sách tín dụng này đã có tác động đến các hộ gia đình nằm trong vùng chịu ảnh hưởng, tạo điều kiện các hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi để tiếp tục sản xuất, tạo công ăn việc làm ở nơi ở mới.

Đây là nguồn vốn tạo sinh kế, qua quá trình kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay này, hầu hết các hộ dân vay vốn đầu tư chủ yếu vào trồng trọt, chăm sóc các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều và chăn nuôi gia súc như trâu bò... với chu kỳ kéo dài, do đó chu kỳ vay 24 tháng như dự án đang thực hiện chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất, chăn nuôi của từng loại cây trồng, vật nuôi dẫn đến phần nào trong khó khăn trong việc thu hồi nợ. Bên cạnh đó, mức vay 20 triệu đồng/hộ thấp so với nhu cầu sản xuất kinh doanh đối với các gia đình, mặt khác giá vật tư cho nguyên liệu đầu vào cao nên mức vay này chưa đáp ứng đủ.

Để thực sự giúp bà con vùng dự án thực sự đứng vững trong phát triển kinh tế ở nơi ở mới đề nghị Ban quản lý dự án, các bộ ngành liên quan xem xét tiếp tục sử dụng nguồn vốn này để đầu tư cho các hộ bị ảnh hưởng và nâng mức cho vay dự án bằng mức cho vay hộ nghèo là 50 triệu đồng để giúp bà con vùng dự án  ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.

Lương Xuân (KCNB)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN