Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở vùng cao Sơn La

Thứ Năm, 21/07/2016 15:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đồng hành với các cấp, ngành của tỉnh trong việc giảm nghèo cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.


 Ông Hà Văn Khánh chăm sóc “gia sản” có được từ đồng vốn ưu đãi (Ảnh: TT)

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Khánh ở bản Lềm, xã Huy Tân, huyện Phù Yên còn là hộ nghèo lâu năm của địa phương. Năm 2012, thông qua Hội Cựu chiến binh (CCB), gia đình ông được vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo đầu tư nuôi dê sinh sản và cải tạo đất trồng 3ha bạch đàn, xoan lai. Với bản tính cần cù, chịu khó lại siêng năng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trong nuôi trồng, đàn dê của gia đình ông phát triển rất tốt. Giữa năm 2013 từ đàn dê “vốn” gia đình ông đã bán được 2 lứa dê thịt, sau khi trừ đi các chi phí, thu lãi được hơn 30 triệu đồng. Có tiền từ việc bán dê, gia đình ông tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, bắt đầu bằng việc mua một cặp trâu giống...

Đến năm 2014, sau 2 năm vay vốn NHCSXH gia đình ông đã trả xong nợ và ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Hiện, ngoài đàn dê sinh sản hàng năm cho thu nhập bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng, gia đình ông còn gây dựng được đàn trâu, bò lên tới 7 con (trị giá gần 200 triệu đồng).

Cũng như gia đình ông Hà Văn Khánh, gia đình anh Mùi Văn Lương và chị Mùi Thị Vấn ở bản Puôi 1, xã Huy Tân cũng đã từng gặp khó khăn khi không có vốn phát triển kinh tế. Chỉ đến khi được tiếp cận vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo của NHCSXH, gia đình anh mới có cơ hội để thoát nghèo. Từng được tiếp cận vốn vay ưu đãi 2 lần, gia đình anh đã được cán bộ chuyên môn hướng dẫn dùng vốn vào nuôi trâu, nuôi lợn và sau đó đã tập trung vào nuôi trâu (hiện gia đình anh có trên 10 con trâu). Đến năm 2015, gia đình anh đã thoát được nghèo và hiện tại, với nguồn vốn tích cóp được, gia đình anh đã đầu tư vào làm thêm trang trại trồng 1,5ha rừng lát, đào ao rộng trên 700m2 nuôi cá thịt các loại.

Sơn La là một trong các tỉnh đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển, diện tích đất tự nhiên rộng nhưng đất sản xuất nông nghiệp lại ít do địa hình nhiều núi cao, giao thông cách trở. Tỉnh có 12 dân tộc sinh sống, trong đó DTTS chiếm 82% dân số toàn tỉnh, mật độ dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí thấp, hạ tầng cơ sở thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt. Mức sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La còn thấp, nhất là đồng bào các DTTS vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Do vậy, việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân đã khó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả lại càng khó hơn.

Xác định rõ điều đó, NHCSXH tỉnh Sơn La đã chú trọng công tác phối hợp với các cấp, ngành, đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền về chính sách vay vốn ưu đãi, như bình xét công khai, đúng đối tượng vay vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và, niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi tại các Điểm giao dịch, đảm bảo giao dịch tại 204/204 xã, phường, thị trấn; bố trí đầy đủ cán bộ tham gia Tổ giao dịch theo quy định với tỷ lệ giao dịch tại xã đạt 97%...

Đến hết tháng 6/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 2.929 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch năm 2016, tăng 12,5% so với năm 2015; tăng chủ yếu ở các chương trình như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Doanh số cho vay đến 30/6/2016 đạt trên 609 tỷ đồng đã giúp 24.012 hộ có điều kiện phát triển kinh tế; trong đó, cho 1.897 hộ gia đình thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 736 lao động mới; 1.461 hộ gia đình được vay vốn sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; hỗ trợ xây dựng 5.131 công trình nước sạch và 4.858 công trình vệ sinh…

Qua thống kê của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp bà con dân tộc đầu tư phát triển chăn nuôi được 23.917 con trâu, bò, 49.498 con lợn sinh sản và lợn thịt, 37.315 con dê, đầu tư hơn 32,6 tỷ đồng chăn nuôi gia súc gia cầm; chăn nuôi thuỷ sản 13,2 tỷ đồng, trồng cây ăn quả và cải tạo vườn tạp 15,6 tỷ triệu đồng, mua máy móc và công cụ lao động đầu tư cho sản xuất kinh doanh 28,3 tỷ đồng.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La, Tòng Thị Tươi cho biết thêm trong những năm qua, vốn tín dụng ưu đãi đã khẳng định là công cụ đắc lực của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Các chương trình tín dụng đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, từ đó họ có cơ hội vươn lên tự thay đổi cuộc sống của mình. Để làm được điều đó, không chỉ có sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn Chi nhánh mà còn có sự giúp đỡ, đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền, của 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, của các Tổ tiết kiệm và vay vốn do nhân dân tự nguyện thành lập.

Thùy Trang (KCNB)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN