Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh và phát triển

Thứ Hai, 12/12/2022 10:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng có rất nhiều yếu tố. Trong đó cần phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số; tập trung phát triển văn hóa Hà Nội…

 

Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô khi xác định mục tiêu phát triển cho Hà Nội không chỉ đến năm 2030 mà còn đặt tầm nhìn đến năm 2045. 

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô

Trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành... Mới đây nhất, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô khi xác định mục tiêu phát triển cho Hà Nội không chỉ đến năm 2030 mà còn đặt tầm nhìn đến năm 2045 (là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là điểm mới của thời gian thực hiện nghị quyết lần này so với các nghị quyết lần trước, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mang tầm thời đại của Đảng ta đối với sự phát triển của Thủ đô, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn.

Với việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò chiến lược quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển đáp ứng sự kỳ vọng, niềm tin tưởng, mong muốn của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

Đáng chú ý, để Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị được cụ thể hóa, được triển khai thực hiện hiệu quả và nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày 26/8/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong đó chú trọng phần nội dung về tổ chức thực hiện.

Có thể nói, Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt, là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

Coi trọng đặc biệt vấn đề quy hoạch, chuyển đổi số

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại văn minh và phát triển” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, để thực hiện được những mục tiêu mà Nghị quyết số 15 đề ra cần rất nhiều yếu tố…

Về quy hoạch, KTS Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập đến 2 quy hoạch triển khai song song đồng thời là Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội có một số thuận lợi như có bề dày hơn 1.000 năm văn hiến, không đâu so sánh được; có số lượng di sản, công trình di sản vật thể lớn là nguồn lực liên quan đến phát triển kinh tế. Hà Nội có đặc trưng đô thị hình thành từ những thế kỷ trước mà các tỉnh, thành khác không có. Điểm thuận lợi nữa là Hà Nội có hệ thống cảnh quan đẹp, lớn, có quỹ đất lớn - là 1 trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Đây là thuận lợi nền tảng cơ bản để phát triển đô thị trong tương lai.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Đề cập đến chuyển đổi số là một công việc trọng đại của quốc gia Việt Nam hiện nay và cũng là vấn đề được nhấn mạnh trong các giải pháp được đặt ra tại Nghị quyết 15, Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, đương nhiên Hà Nội phải đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Chuyển đổi số ở Hà Nội sẽ thực hiện theo 3 trụ cột: Kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian qua và có những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, việc xây dựng xã hội số, đặc biệt là kinh tế số chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên số. Do đó, Nhà báo Hồ Quang Lợi đề xuất phải xây dựng cơ chế, hệ thống chính sách để khích lệ công cuộc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc tham gia vào việc chuyển đổi số của các yếu tố Nhà nước, phải đặc biệt khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Cần nhấn mạnh rằng, thành phần doanh nghiệp số sẽ quyết định sự thành công của công cuộc phát triển kinh tế số ở Thủ đô Hà Nội.

Phát huy những giá trị văn hóa của Thủ đô

Đi sâu vào vấn đề văn hóa, một nguồn lực to lớn cho sự phát triển của Hà Nội, TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Chúng ta cần xây dựng văn hóa con người và tập trung tuyên truyền về 3 vấn đề văn hóa cốt lõi nhất, hãy coi đó là 3 trụ cột của quốc gia để xây dựng văn hóa mới phát triển và thăng hoa được. Đó là, văn hóa gia đình - nền tảng của xã hội, văn hóa doanh nghiệp - nền tảng kinh tế của đất nước, văn hóa công sở và đạo đức công vụ - là nền tảng chính trị của quốc gia.

TS Lê Doãn Hợp nhấn mạnh rằng, văn hóa quyết định kinh tế và trong tình hình hiện nay, phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế. “Nếu không có văn hóa lành mạnh sẽ không có kinh tế bền vững; bởi văn hóa, đạo đức xuống cấp thì mọi thành tựu về kinh tế, vật chất đạt được không còn nhiều ý nghĩa. Xây dựng trụ cột thứ 3 là văn hóa công sở, đạo đức công vụ phải đào tạo đội ngũ cán bộ hết sức vì dân, phải luôn luôn lấy lòng dân để làm thước đo cán bộ qua từng việc một. Nếu làm tốt 3 trụ cột này, Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ phát triển, đó là những điều dân mong nhất, cần nhất hiện nay" - TS Lê Doãn Hợp lý giải.

TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa là đang đi đúng với xu thế. Văn hóa là gắn với sáng tạo, hoạt động tinh thần trực tiếp. Nói đến văn hoá của Hà Nội thì từ lâu đã được coi di sản. Tuy nhiên, vấn đề đang được đặt ra là cách tiếp cận và khai thác văn hoá đó trong thời hiện đại như thế nào. Tài nguyên văn hóa của Hà Nội rất nhiều nhưng cần phải định hình lại để có hướng phát triển cụ thể.

"Cần tận dụng di sản vốn có, phong phú để tạo ra sản phẩm văn hoá có chất lượng từ đó chuyển hoá thành công nghiệp văn hoá để tạo thu nhập và thu hút đầu tư để phát triển. Bên cạnh đó, phải có cơ chế, chính sách để kích thích tính sáng tạo của doanh nghiệp trong phát triển văn hoá"- PGS.TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Hà Nội phải có một chiến lược phát triển văn hóa. Trong đó, khôi phục, tạo nên bản sắc, hấp dẫn văn hóa của Hà Nội. Bản sắc, sức hấp dẫn của Hà Nội là một tài sản. Cùng với đó, khai thác các di sản văn hóa như một phần của kinh tế nhất là cần quan tâm đến khai thác giá trị di sản phố cổ Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Khu phố Pháp cổ, Văn hóa ẩm thực Hà Nội… Vì vậy phải có quy hoạch rất rõ để khôi phục, khai thác các di sản văn hóa.

Một trong những vấn đề được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh là cơ chế để thu hút người tài cho Hà Nội. Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, để xử lý các vấn đề của Hà Nội phải có người tài. Bên cạnh vấn đề lương bổng cho người tài, TP Hà Nội phải có mô hình thể chế cho người tài thử nghiệm, có không gian để họ phát huy tài năng trong khuôn khổ.

Đồng tình với ý kiến này, Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, việc khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực trí tuệ trên phải là một việc cấp thiết. Hà Nội đang cần một nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề ở đây là phải tạo dựng được một cơ chế, chính sách thông thoáng, không chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ, mà đặc biệt phải chú trọng hơn nữa việc tạo dựng một môi trường làm việc để những nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các tài năng có thể phát triển được…/.

Nghị quyết số 15 có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn đối với cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh Thủ đô đang bước vào giai đoạn quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố; được cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô cũng như cả nước đồng tình, đánh giá cao, coi đây là điểm tựa cho Hà Nội cất cánh. 

 

 

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN