Hiểm họa pháo tự chế
(ĐCSVN) - Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến việc tự chế pháo nổ bằng các nguyên liệu trôi nổi trên mạng xã hội. Cá biệt, có vụ đã khiến nhiều trẻ em bị thương vong. Các vụ việc này đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính chất nguy hiểm của việc tự chế pháo nổ…
Trong khoảng nửa tháng trở lại đây, các cơ sở y tế như Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh; Khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi. Mới đây nhất, chiều ngày 25/12, 6 cháu nhỏ từ 9 đến 12 tuổi đã tập trung tại một gia đình ở thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk để làm pháo nổ từ bột màu trắng và màu vàng (lưu huỳnh) được mua online trên mạng xã hội. Quá trình làm pháo, xảy ra nổ lớn; hậu quả đã cướp đi sinh mạng của 2 cháu; 4 cháu còn lại bị thương đang được đieuè trị tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh và bệnh viện địa phương.
Một trong các nạn nhân của vụ pháo tự chế phát nổ tại Đắk Lắk (Ảnh: Huỳnh Thủy). |
Theo các chuyên gia, pháo nổ là sản phẩm chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ. Cách chế tạo pháo khá đơn giản nhưng lại tiềm ẩn hiểm họa khôn lường. Bởi trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh… Đa số người chế tạo pháo do tiếp xúc gần, nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vết bỏng nặng sẽ gây nhiễm độc và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Ngoài ra, nạn nhân khi bị bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo… Điều đáng nói, dù nguy hiểm là vậy và cơ quan chức năng đều cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng đến nay tai nạn vẫn không giảm, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.
Trao đổi về tính chất nguy hiểm của tai nạn do pháo tự chế, Ths, Bs Nguyễn Điện Thanh Hiệp, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương Chỉnh hình BV 108 cho biết: "Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo".
Bs Nguyễn Điện Thanh Hiệp khám sau phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC). |
Liên quan đến vấn đề này, theo bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, pháo tự chế còn gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp do chứa nhiều bụi kim loại và nguy cơ nhiễm khói hóa chất. Thời gian phơi nhiễm khói hóa chất dưới 3 phút sẽ ảnh hưởng nhẹ đến cơ thể. Trên 3 phút, hệ hô hấp bắt đầu bị ảnh hưởng, đặc biệt với người có tiền sử bệnh hô hấp, hen suyễn. Bụi khói của pháo còn ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, làm chảy nước mắt hoặc loét giác mạc, gây hại lên mô cơ…
Thực tế, không khó để tìm các video dạy cách chế pháo, thuốc nổ tại nhà. Chỉ cần gõ từ khóa "cách làm pháo" hoặc "làm pháo", trên công cụ tìm kiếm trực tuyến google sẽ có hàng loạt video hướng dẫn cách làm các loại pháo khác nhau được đề xuất, phổ biến là pháo diêm - loại pháo được làm từ đầu diêm nghiền mịn, nén chặt trong cuộn giấy; hoặc tự làm thuốc nổ từ 3 nguyên liệu: KClO3 (Kali Clorat), lưu huỳnh và bột than. Các loại chất dùng để tự chế pháo nổ có thể dễ dàng tìm mua riêng lẻ tại các cửa hàng hoặc trên các trang thương mại điện tử. Công thức có sẵn trên mạng, cách làm đơn giản, nguyên liệu rẻ, dễ tìm,… được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ tò mò, ham vui đã tự chế pháo nổ tại nhà mà không nghĩ đến sự nguy hiểm của việc làm này.
Thiết nghĩ, để đón Tết Nguyên đán thực sự vui vẻ, an toàn và hạn chế tai nạn đáng tiếc liên quan đến pháo tự chế, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, các em nhỏ tự giác chấp hành nghiêm những quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ, pháo tự chế; giám sát và ngăn ngừa việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng của các em; trẻ em không được mua nguyên liệu trên mạng xã hội để tự chế pháo nổ, không mau bán, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ.
Bên cạnh đó, các địa phương và các trường học cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục giúp các em học sinh nhận thức được hành vi tự chế pháo nổ là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh; chủ động ngăn chặn kịp thời những hành động nguy hiểm ở trẻ do thiếu hiểu biết về pháo tự chế./.