Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hè về và nỗi lo đuối nước

Thứ Sáu, 31/05/2019 11:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Như một “điệp khúc buồn” vào thời điểm nghỉ hè của học sinh trên toàn quốc thì kéo theo đó nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm.

Các vụ đuối nước xảy ra đã gây nên tâm lý lo lắng, hoang mang cho người dân, đồng thời cũng là “hồi chuông” cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, nhà trường và các tổ chức về hiệu quả của việc xây dựng kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em hiện nay.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần qua, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Từ đầu năm 2019 đến nay, Nghệ An và Quảng Bình là hai tỉnh có số vụ đuối nước nhiều nhất cả nước. Ở Nghệ An chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019 đã có trên 30 người tử vong do đuối nước mà chủ yếu là trẻ em. Mới đây nhất, ngày 30/5/2019, 5 học sinh lớp 8 của Trường Trung học cơ sở Trung Thành (xã Trung Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) rủ nhau ra đập nước Trại Xanh chơi không may bị sẩy chân và tử vong tại chỗ. Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 27/5/2019 sau buổi lao động tổng kết năm học, 4 học sinh Trường Tiểu học xã Hưng Châu (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) rủ nhau ra hố nước ở chân Núi Nhón để tắm. Sau đó, một em sẩy chân vào chỗ nước sâu và bị đuối nước dẫn đến tử vong. Còn ở Quảng Bình 4 vụ đuối nước xảy ra trong một tuần đã khiến 9 em học sinh thiệt mạng. (2 vụ thương tâm gần nhất đó là: Trường hợp 8 học sinh của Trường trung học cơ sở Thanh Thạch (xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau ra sông Gianh tắm dẫn đến 3 em học sinh nữ bị tử vong ngày 23/5/2019. Tối ngày 28/5/2019, sau khi rủ nhau đi bắt cua ở khe suối gần nhà, 3 học sinh nữ ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng đã bị tử vong do đuối nước.

Dư luận lo lắng, nếu chúng ta không kịp thời có những biện pháp hữu hiệu thì tình trạng đuối nước ở trẻ em rất có thể sẽ gia tăng, nhất là khi học sinh cả nước chính thức bước vào kỳ nghỉ hè năm 2019.


Luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn đuối nước đối với trẻ em khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: VĐ)

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015 - 2017, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây là con số báo động mà bất cứ ai cũng phải giật mình khi nghe tới. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều vụ đuối nước ở địa phương chưa được báo cáo kịp thời và chính xác. Một thống kê khác cũng chỉ ra là chỉ có khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Trong khi đó tỉ lệ đuối nước lại chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em.

Phía sau các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em là sự đau xót, day dứt và ân hận của các bậc làm cha, làm mẹ, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Chứng kiến cảnh tượng đó, nhiều người thốt lên rằng “giá như các em đó biết bơi hoặc được trang bị kỹ năng bơi lội an toàn", và rất nhiều cái “giá như” nữa...  nhưng tất cả đều quá muộn màng bởi sự chủ quan của những người có trách nhiệm.

Năm 2016, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em và ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và nhiều Bộ, ban ngành, địa phương đã có các biện pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng trên nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước vẫn đang ở mức cao (chỉ sau tai nạn giao thông), đó là nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội với nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em còn hạn chế. Sự sao nhãng, bất cẩn, thiếu giám sát trông coi của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em ở cùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn - nơi có nhiều mối nguy hiểm về đuối nước chưa được quan tâm. Các cơ sở giáo dục, địa phương thì thiếu giáo viên dạy bơi, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, nhiều trường không có bể bơi để dạy cho học sinh. Việc xây dựng, trang bị những kỹ năng cho học sinh trong phòng ngừa, bảo vệ mình với các nguy cơ, trong đó có nguy cơ về đuối nước còn nhiều bất cập... Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục, nhà trường triển khai chương trình dạy bơi cho học sinh mang tính đối phó, hình thức... Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.

Việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ. (Ảnh: VĐ)

Giảm tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Theo các chuyên gia thì đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được với việc các bậc làm cha làm mẹ cần chú trọng đến việc dạy các kỹ năng cho con em mình. Cha mẹ phải là người đầu tiên trang bị cho chính con em mình những kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ về đuối nước. Đối với cơ sở giáo dục, cần thực hiện hiệu quả việc dạy bơi, cách cứu đuối an toàn cho học sinh; phải thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo các nguy hiểm về đuối nước thông qua các giờ sinh hoạt tập trung như: chào cờ, sinh hoạt lớp…

Đối với các địa phương có diện tích ao hồ, sông ngòi lớn, chính quyền và các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết và cảnh báo khi thấy trẻ em bơi ở những khu vực nguy hiểm, không an toàn. Thậm chí nhiều nơi có cảnh báo nguy hiểm phải có lực lượng trông coi bảo vệ, nhất là vào các thời điểm nắng nóng, mưa lũ… Đặc biệt, phải thay đổi nhận thức, bơi không những là môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn là kỹ năng sinh tồn bởi vì Việt Nam là nước có diện tích ao hồ, sông suối rất lớn, đây là nguy cơ tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao cho trẻ em. Cần luật hóa việc học sinh khi ra trường ở các cấp phải biết bơi và đưa môn bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục./.

Bài, ảnh: Võ Đông

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN