HĐND tỉnh Hà Giang xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
(ĐCSVN) - Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phát huy trách nhiệm trước cử tri, dân chủ thảo luận, đánh giá toàn diện, thực chất kết quả đạt được trong năm 2022, làm rõ những hạn chế, dự báo tình hình, đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp. (Ảnh: Phi Anh/BHG) |
Ngày 12/12, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 10. Dự Kỳ họp có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh; các ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 12-14/12), Kỳ họp sẽ xem xét báo cáo của UBND tỉnh về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2023; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;… Đặc biệt, Kỳ họp dành thời gian 1 ngày cho phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường; 1/2 ngày cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.
Đại biểu HĐND tỉnh cũng sẽ thảo luận các dự thảo nghị quyết chuyên đề gồm 08 dự thảo nghị quyết của Thường trực. Ban Pháp chế HĐND tỉnh trình về: Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2023; dự toán kinh phí hoạt động năm 2023 của HĐND tỉnh; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; bãi bỏ Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XVI đối với Đề án tham vấn nhân dân; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh; về kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh trong năm 2022 và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2023. UBND tỉnh trình 26 dự thảo Nghị quyết của để kịp thời cụ thể hóa các quy định mới của Trung ương, điều kiện thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh, như: Điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025; quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách, giai đoạn 2023-2025; Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công thuộc cấp tỉnh quản lý; chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới năm 2023; phê duyệt biên chế công chức, số lượng người làm việc, chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh năm 2023…
Theo đồng chí Thào Hồng Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả năm 2022. Từ đó đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho năm 2023. Đây là những nội dung rất quan trọng và thiết thực, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, do đó các đại biểu cần phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, thảo luận kỹ lưỡng, chất vấn làm rõ các hạn chế vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp. (Ảnh: Phi Anh/BHG) |
Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phát huy trách nhiệm trước cử tri, dân chủ thảo luận, đánh giá toàn diện, thực chất kết quả đạt được trong năm 2022, làm rõ những hạn chế, dự báo tình hình, đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, BCH Đảng bộ tỉnh, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển du lịch, chuyển đổi cây trồng vật nuôi; trong lĩnh vực GD&ĐT, y tế cơ sở, cải thiện môi trường đầu tư, giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tạo quỹ đất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Chú trọng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Tăng cường công tác giám sát, quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng nguồn vốn trong và ngoài ngân sách. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử vào phát triển và tiêu thụ sản phẩm. Thu hút các doanh nghiệp tham gia vào khâu chế biến nông, lâm sản và cung ứng sản phẩm để hoàn thiện các chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế; nâng cao chất lượng GD&ĐT, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia...
Ngay sau Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã thông qua. HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết đã được ban hành cũng như việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri, để các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đi vào cuộc sống ngay từ những tháng đầu, quý đầu năm 2023.
Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HDDND tỉnh phát biểu khai mạc Kỳ họp. (Ảnh: Phi Anh/BHG) |
Theo Báo cáo tại Kỳ họp, năm 2022, tỉnh Hà Giang đã thực hiện khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022. 29/36 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7,8% so với năm 2021; các lĩnh vực kinh tế đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,04%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,25%; dịch vụ tăng 5,97%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 14.088 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch đề ra). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tăng 2,45% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.565 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán TW giao và 91,6% KH tỉnh giao. Tổng dư nợ tín dụng 28.241 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021 (vượt kế hoạch đề ra). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 13.790 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2021.Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/người, tăng 12,2% so với năm 2021. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, thu hút 2,2 triệu lượt khách. Các hoạt động văn hóa - xã hội duy trì ổn định; chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.../.