Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hãy làm, đừng để " Giá như..."

Thứ Sáu, 04/11/2016 09:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nếu cơ quan chức năng kiên quyết đóng cửa các quán karaoke chưa đủ điều kiện an toàn trước khi xảy ra vụ việc cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm 13 người chết, thay vì sau đó mới có “lệnh” rà soát, kiểm tra các quán karaoke thì chắc hẳn vụ việc đã không xảy ra.

 

Vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm 13 người chết, nhiều tài sản bị thiêu rụi. Ảnh: CL


Hà Nội đã “ra lệnh” dừng cấp phép kinh doanh karaoke trên toàn thành phố, trước đó, quận Cầu Giấy cũng chỉ đạo rà soát lại tất cả các quán karaoke trên địa bàn. Những chỉ đạo trên được đưa ra sau khi vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm 13 người chết, nhiều tài sản bị thiêu rụi.

Điều đáng nói là từ đầu năm đến nay đã có tới 23 vụ cháy quán karaoke. Đặc biệt, cũng tại quận Cầu Giấy, hồi tháng 9 đã từng xảy ra vụ cháy quán karaoke 8 tầng ở phố Nguyễn Khang. Khi ấy, chính quyền cũng yêu cầu ra soát, kiểm tra. Do đó, ngay khi vụ hỏa hoạn xảy ra quán karaoke làm 13 người chết, dư luận đã đoán chắc: Lại sắp có đợt kiểm tra, rà soát các quán karaoke!.

Hai vụ hỏa hoạn tại quán karaoke thuộc quận Cầu Giấy đều chung phát hiện: quán chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh, không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy và từng bị kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần song vẫn vi phạm; thời điểm hỏa hoạn, quán đang sửa chữa nhưng vẫn kinh doanh karaoke.

Công thức cháy xong sẽ rà soát cứ như một điệp khúc làm mãi nhưng tại sao hỏa hoạn vẫn cứ xảy ra? Phải chăng kiểm tra, rà soát chỉ là hình thức chống chế, để khi có hỏa hoạn thì cơ quan chức năng còn có cớ mà chối trách nhiệm, rằng: đã từng lập biên bản, đã từng nhắc nhở và từng nhiều thứ khác nữa...

Còn nhớ, vụ tai nạn giao thông đường sắt tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) tháng 10 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 6 người. Trước đó khoảng 1 tháng cũng tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ này đã xảy ra tai nạn nhưng không có thiệt mạng. Sau vụ tai nạn kinh hoàng chết người, ngành đường sắt mới lắp đặt rào chắn, hệ thống cảnh báo mới và bố trí người gác tàu.

Hay như vụ tai nạn thương tâm do xe thô sơ chở tôn cồng kềnh cứa vào cổ em nhỏ dẫn đến tử vong. Ngay ngày hôm sau, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia có văn bản đề nghị Hà Nội “sớm làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm”, đồng thời cũng nhắc nhở: “Cần triển khai nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết của Chính phủ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe môtô ba bánh...”

Điệp khúc rà soát, kiểm tra sau khi có chuyện xảy ra đã thành công thức phổ biến như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương vừa nói thẳng: “thời gian qua, chúng ta cứ thấy sập mỏ khai thác đá vài chục người chết; lật tàu thuyền chở khách trái phép nhiều người chết hay cháy nhiều cơ sở như vụ cháy quán karaoke 13 người chết… Cứ xảy ra, chính quyền mới đề cập đến, mới rà soát sẽ xử lý nghiêm vi phạm, trong khi đáng lẽ ra việc đó phải làm lâu rồi chứ không phải để lúc xảy ra rồi mới làm”.

Giá như việc rà soát, kiểm tra diễn ra thường xuyên và kiên quyết đóng cửa các quán karaoke không đủ yêu cầu thì chắc hẳn 13 người dân đã không mất mạng trong vụ hỏa hoạn vừa qua.

Giá như ngành đường sắt sớm lắp đặt hệ thống an toàn tại “điểm đen” tai nạn tại xã Văn Bình và Ủy ban An toàn giao thông phát đi nhắc nhở, chỉ đạo trước khi em bé bị tôn cứa dẫn đến tử vong thì đã không có những cái chết thương tâm. Và nhiều giá như, giá như khác...

Vụ việc 13 người chết tại quán karaoke vừa qua cho thấy, với trách nhiệm mình, lẽ ra chính quyền Hà Nội phải kịp thời xử nghiêm, kiên quyết đóng cửa các quán karaoke chưa đủ điều kiện an toàn theo quy định trước khi có chỉ đạo, tránh tình trạng trên thì chờ báo cáo, dưới thì chờ chỉ đạo. Việc lớn chờ, việc nhỏ cũng chờ!

 

An Luých

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN