Hát Xoan - những cung bậc cảm xúc miền đất Tổ
(ĐCSVN) - Hát Xoan - dấu ấn văn hóa ở vùng đất Phú Thọ, loại hình nghệ thuật dân gian này mang vẻ đẹp uy nghiêm, thành kính mà hồn hậu, mộc mạc, để lại những góc nhìn văn hóa sâu đậm với bạn bè quốc tế về nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.
Hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho vùng Đất Tổ - Phú Thọ. Thuộc loại hình dân ca nghi lễ, phong tục được biết đến với các tên gọi khác như hát cửa đình hay “Khúc môn đình”, hát Xoan là hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Ca nhạc, hát, múa, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Trong hát Xoan, múa và hát luôn song hành với nhau; điệu múa được dùng để minh họa cho lời hát. Các tiết mục múa hát trong hát Xoan theo thứ tự nhất định. Sức sống của loại hình nghệ thuật này nằm ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài, được nhiều thế hệ yêu thích.
Biểu diễn hát Xoan tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Thế Dương. |
Hát Xoan gắn liền với nơi phát tích của hát Xoan và các ngôi đình cổ là những vùng lan toả diễn xướng hát Xoan như: Miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Đình An Thái, Đình Hùng Lô… chủ thể là các nghệ nhân ở 4 phường Xoan gốc: Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái. Tại không gian cổ kính, linh thiêng ở các ngôi đình, các nghệ nhân dân gian và đào - kép Xoan đã kết hợp trống phách, lời hát, múa tạo nên những tiết mục nghệ thuật dân gian mang vẻ đẹp uy nghiêm, thành kính mà hồn hậu, mộc mạc, sâu đậm với mỗi du khách.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ca nhạc của hát Xoan gồm các dạng thức nhạc hát: Hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Nhạc Xoan có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.
Khởi nguồn từ đời sống của người Việt, hát Xoan giúp bạn bè và du khách quốc tế có thể hiểu được tâm hồn con người, đất nước và nền văn hóa lâu đời của Việt Nam.